Dòng tiền dường như đang rút khỏi các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua. Phiên sáng na, những nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu nóng tiếp tục bị dội gáo nước lạnh. BII, TGG, VKC, APG liên quan đến nhóm Louis Holding hôm nay giảm sàn với dư bán lớn.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận đợt tăng giá "ảo" đã đến hồi kết và nhà đầu tư tham gia vào cuộc đua giá, đặc biệt tại vùng đỉnh đang đối diện với rủi ro không nhỏ.
Nhóm hóa chất phân bón cũng đang có diễn biến tiêu cực. DGC sau giai đoạn tăng miệt mài đã có 2 phiên bán khá dữ dội, sau phiên giảm sàn hôm qua (24/9), hôm nay mất tiếp 4,9%, CSV vẫn đang khiến nhà đầu tư xanh mắt mèo với phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. DPM Đạm Phú Mỹ cũng giảm điểm.
Về mặt nguyên nhân theo các chuyên gia, giá khí đốt tự nhiên toàn cầu lên cao kỷ lục là tin không vui với một số doanh nghiệp thâm dụng năng lượng. Tthực tế, nhiều nhà sản xuất thép, phân bón, thủy tinh ở châu Âu và châu Á đã phải tạm ngừng hoặc giảm công suất sản xuất.
Nhóm hưởng lợi trực tiếp từ giá năng lượng tăng là dầu khí. GAS, PLX, PVS đều có diễn biến tăng. Chốt phiên 23/9, giá dầu Brent tương lai tăng 1,4%, lên 77,25 USD/thùng, cao nhất kể từ giữa tháng 7. Giá dầu WTI cũng tăng 1,5%.
Giá năng lượng tăng cũng là tin không vui với các doanh nghiệp vận tải, cộng với giai đoạn giãn cách do dịch bệnh, nhiều ý kiến cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận quý 3 của doanh nghiệp cảng biển có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Dòng cổ phiếu này càng đến cuối quý 3, diễn biến càng có phần đi xuống. GMD giảm 1,1%, HAH giảm gần 4% sau thông tin công ty này thông qua phương án đưa toàn bộ gần 1,4 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để bổ sung vốn lưu động của công ty. Mã nặng tính đầu cơ của ngành là VOS còn giảm gần 5%.
Các cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm đang là điểm sáng của thị trường khi sắc xanh bao phủ trên diện rộng. Dòng cổ phiếu nhà băng đều giao dịch trên mốc tham chiếu như: TCB, TPB, MBB, OCB hay SHB.
Liên quan đến cổ phiếu SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 5/10 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu SHB trên HNX trước khi chuyển giao dịch sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).
Chuyển sang HOSE giao dịch được đánh giá là bước đi gia tăng sức hút, nhắm tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tăng giá trị thị trường, qua đó có cơ hội vào rổ hàng loạt chỉ số: VNM ETF, VN30…
Bên cạnh đó mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận SHB tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng dưới hình thức chi trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 100:28, giá 12.500 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng 1,65 điểm lên1.354,41 điểm. Thanh khoản giảm mạnh so với phiên sáng qua. Tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE giảm 36% xuống còn 8.459 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,54 điểm còn 360,48 điểm; giao dịch 86 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 1.679,9 tỷ đồng.
VTV.vn - Những thông tin từ FED và chỉ số chứng khoán Mỹ đêm 22/9 có thể là yếu tố hỗ trợ tâm lý tích cực cho chứng khoán Việt Nam sáng nay (23/9). VN-Index mở cửa tăng hơn 8 điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.14923533142901202-meid-5531-com-ioud-hnix-hnil-xedni-nv/et-hnik/nv.vtv