Với mong muốn được thư giãn sau một tuần làm việc bận rộn và đầy mệt mỏi, cô Park So-yeon, 28 tuổi, một huấn luyện viên yoga ở Seoul, đã quyết định rời thành phố đến một ngôi nhà nằm gần núi Gyeryong, thuộc tỉnh Chungcheong Nam, cách Seoul khoảng 140 km về phía Tây Nam.
Ngôi nhà này thuộc sở hữu của bố mẹ một người bạn thân của cô. Tại đây, ngoài việc thư giãn tập yoga, cô chỉ cần làm một số việc nhà lặt vặt. Park So-yeon còn đến làm việc trong một trang trại gần nhà, nơi giúp cô khám phá một cuộc sống nông thôn bình dị, khác hẳn so với nhịp sống hối hả nơi đô thị phồn hoa.
Chia sẻ với The Korea Times, Park So-yeon cho biết: “Là một huấn luyện viên yoga, tôi cần phải di chuyển nhiều và thường xuyên phải đi tàu điện ngầm. Sự đông đúc trên tàu điện ngầm khiến tôi dễ bị căng thẳng và kiệt sức vì thiếu không gian cá nhân. Do đó, tôi quyết định thay đổi lối sống của mình bằng cách dành 4 đến 5 ngày làm việc tại thành phố và 2 ngày ở nông thôn. Sự thay đổi tích cực này đã giúp tôi có thêm năng lượng và cân bằng cuộc sống. Tôi dự định sẽ tiếp tục duy trì cuộc sống như hiện tại.”
Tuy mệt mỏi với cuộc sống thành phố, Park So-yeon cho biết cô vẫn cảm thấy biết ơn vì có thể dễ dàng mua đồ ăn, gặp gỡ bạn bè và là một thành viên của cộng đồng những người yêu thích bộ môn yoga ở Seoul. Trái lại, tuy ở nông thôn không có cửa hàng tiện lợi hay siêu thị, nhưng được gần gũi với thiên nhiên đã giúp cô giải tỏa căng thẳng, lấy lại tinh thần thoải mái.
Đi du lịch chỉ là lối thoát tạm thời
Trước khi bắt đầu cuộc sống di chyển luân phiên giữa thành thị và nông thôn vào năm ngoái, Park So-yeon đã đi du lịch khắp nơi để tìm cách giải tỏa, khi cuộc sống đô thị nhộn nhịp khiến cô luôn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Việc tìm kiếm chỗ ở hợp lý cho mỗi chuyến đi cũng đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về thời gian và sức lực của cô.
Nhận ra đi du lịch chỉ là một lối thoát tạm thời, cô quyết định tìm kiếm một nơi duy nhất để có thể dành trọn những ngày cuối tuần. Địa điểm lý tưởng là không xa Seoul để có thể dễ dàng di chuyển giữa hai nơi và đặc biệt phải gần gũi với thiên nhiên.
Món lasagna cà tím được Park So-yeon làm từ các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương
Tại Hàn Quốc, lối sống này thường được gọi là “5-do 2-chon”, có nghĩa là “5 ngày ở thành phố, 2 ngày ở nông thôn”. Trong tiếng Hàn, “Do” là từ rút gọn của “dosi” (có nghĩa là “thành phố”) và “chon” (có nghĩa là “làng” hoặc “khu vực nông thôn”).
Trước đây, cụm từ này được sử dụng chủ yếu bởi những người thành thị ở độ tuổi 50, những người quan tâm đến việc chuyển về nông thôn sống và làm nông sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên hiện nay, lối sống “5-do 2-chon” đang ngày càng trở nên phổ biến với giới trẻ.
“5-do 2-chon”- sự lựa chọn hoàn hảo
Vào tháng 6/2020, cô Choi Byeol, 32 tuổi, một nhà sản xuất của đài MBC đã cho ra mắt kênh vlog có tên là “Onulun” trên YouTube, kể về hành trình mua một ngôi nhà cũ 115 tuổi ở thành phố phía Tây Nam Gimje, thuộc tỉnh Bắc Jeolla, cách Seoul khoảng 200 km. Tại đây, cô bắt đầu một cuộc sống mới, làm việc và giao tiếp từ xa với các đồng nghiệp của cô ở Seoul. Video đầu tiên trong series này đã có tổng cộng 2,48 triệu lượt xem tính đến ngày 22/9. Kênh đã phát triển kể từ đó và hiện có gần 300.000 người đăng ký.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Korea Times, Choi Byeol chia sẻ rằng: “Một trong những lý do khiến tôi muốn chuyển đến đây và dành thời gian nghỉ ngơi đó là để loại bỏ những phiền nhiễu, tập trung vào bản thân và viết lên câu chuyện về chính mình. Tôi cảm thấy mình đã làm đúng những gì mình cần và mô tả lại để đưa vào vlog.”
Các chuyên gia cho rằng xu hướng lựa chọn lối sống mới này phản ánh việc giới trẻ ngày càng tìm cách tách biệt cuộc sống ra khỏi công việc, nhằm nỗ lực đạt được sự cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống.
Chia sẻ với The Korea Times, ông Jeon Young-soo, Giáo sư Nghiên cứu Kinh tế Xã hội toàn cầu tại Đại học Hanyang cho biết: “Sau sự xuất hiện của đại dịch, nhiều công ty đã áp dụng hình thức làm việc từ xa hoặc làm việc tại nhà. Thông qua việc thay đổi công nghệ, mọi người giờ đây có thể làm việc mà không cần gặp mặt trực tiếp. Cùng với sự chuyển đổi xã hội chung này, mọi người đã bắt đầu suy nghĩ theo những cách mới, chẳng hạn như sống và làm việc ở những nơi khác nhau.”
“Theo quan điểm của người Hàn Quốc, cuộc sống ở thành phố có thể đem lại cho họ cơ hội việc làm, nền giáo dục tốt và nhiều tiện nghi. Tuy nhiên ngày nay, nhìn chung thì các giá trị này đối với con người đã thay đổi. Đan xen với áp lực tăng trưởng kinh tế thấp, người ta càng nhận thức được rằng một cuộc sống khó khăn ở thành phố không phải là câu trả lời tốt nhất.”, Giáo sư Jeon Young-soo giải thích.
“Hiện tượng “5-do 2-chon” trở nên phổ biến ở một nhóm nhỏ thế hệ trẻ đã phản ánh sự thay đổi trong cách suy nghĩ của mọi người và là một lựa chọn quan trọng để họ có nhiều nơi sống và làm việc. Hiện vẫn còn khá ít người có mong muốn chuyển về nông thôn ở hẳn sau khi nghỉ việc ở thành phố. Thay vào đó, nhiều người chấp nhận di chuyển giữa thành phố và nông thôn hơn. Sự thay đổi này đã từng xảy trước đó, song đại dịch đã làm nó trở nên phổ biến hơn”. ông Jeon giải thích.
Theo KoreaTimes
Hoàng Lan
Nhịp sống kinh tế