Mới đây, chuyến bay charter (thuê chuyến) không dừng kiểm chứng mang số hiệu QH9149 bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways đã cất cánh lúc 19h25 phút (giờ địa phương) tại sân bay quốc tế Nội Bài, dự kiến hạ cánh lúc 20h15 phút ngày 23/9 (giờ địa phương) tại sân bay San Francisco (California, Mỹ).
Tuy nhiên chuyến bay này đã đến nơi sớm hơn dự kiến, vào lúc 9h50 ngày 24/9 (giờ Việt Nam) - tức 19h50 ngày 23/9 (giờ Mỹ), sau 13 giờ 36 phút bay không nghỉ, QH9149 đã hạ cánh sân bay San Francisco (Mỹ).
Bamboo Airways vừa hoàn thành chuyến bay thẳng không điểm dừng Việt - Mỹ. Đây là chuyến bay thẳng đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.
"Chuyến bay thẳng không điểm dừng Việt - Mỹ đầu tiên dài như lịch sử chờ mong của hàng không Việt mà cũng nhanh như một cái chớp mắt đưa "Quy Nhon City" vượt nửa vòng trái đất sang bên kia bán cầu, nối liền hai đất nước cách xa vạn dặm.
Nước Mỹ với nhiều tỷ người luôn là một giấc mơ. Bay thẳng Mỹ với Bamboo Airways lại đã trở thành hiện thực. Trở thành "Người Đầu Tiên" trong ngành hàng không Việt mở toang cánh cửa "Bay Thẳng Việt - Mỹ" chỉ sau 981 ngày cất cánh chính là dấu mốc không thể nào quên của Bamboo Airways", Bamboo Airways thông báo.
Trước đó, ngày 21/9, Bamboo Airways chính thức công bố đường bay thẳng Việt - Mỹ tại New York, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều hoạt động gây chú ý như ký kết lựa chọn động cơ máy bay thân rộng của GE, ra mắt Tổng đại lý tại thị trường Mỹ…
Có thể nói "giấc mơ Mỹ" của Bamboo Airways đã trở thành hiện thức là kết quả cho sự nỗ lực không ngừng của người lãnh đạo hãng - ông Trịnh Văn Quyết.
ÔNG TRỊNH VĂN QUYẾT LÀ AI?
Ông Trịnh Văn Quyết là tỷ phú, doanh nhân nổi tiếng Việt Nam. Ông đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC,Thành viên HĐQT Công ty TNHH Bất động sản SGInvest, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luật SMiC và là người sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Luật Hà Nội năm 1997. Hành trình làm giàu của ông bắt đầu từ lúc ông còn ngồi trên ghế nhà trường, chính từ thời sinh viên nghèo khó đã đánh thức tư duy làm giàu tiềm ẩn trong ông.
Chủ tịch tập đoàn FLC – Trịnh Văn Quyết có xuất phát điểm không mấy suôn sẻ nhưng với tài năng và ý chí bền bỉ của bản thân, ông đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.
TIỂU SỬ TỶ PHÚ TRỊNH VĂN QUYẾT
Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nhưng ông sống và làm việc chủ yếu ở thành phố Hà Nội. Ông được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình bố mẹ đều là công chức nghèo, bố là Trịnh Hồng Quý, mẹ là Đỗ Thị Giáp. Dưới ông là 2 người em gái: Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.
Chính điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, nên ông Trịnh Văn Quyết đã từng phải làm thuê kiếm tiền khi mới tốt nghiệp cấp 3 để tiếp tục thực hiện giấc mơ học đại học. Ngay từ năm thứ 2 tại Đại học Luật Hà Nội, ông bắt đầu kinh doanh bằng việc mở một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó còn kinh doanh điện thoại.
Thời điểm đó, công việc giúp ông chi trả học phí và đem lại nguồn vốn ban đầu mở văn phòng luật sư SMiC ngay sau khi ra trường. Trong vai trò là luật sư, ông Trịnh Văn Quyết và các cộng sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như cách thức đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài.
Đến năm 2010, ông cho sáp nhập các công ty thành viên để thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC ( Tập đoàn FLC ).
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết xuất thân là một luật sư trước khi trở thành "ông trùm" bất động sản lừng danh.
Trong khoảng thời gian dài lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn FLC lại ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc chí Nam như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn,… dù khởi đầu của tập đoàn là dự án nhà ở thương mại.
Vài năm gần đây, ông Quyết còn tiếp tục mở rộng chiến lược bằng hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị tại những vùng đất chưa có đại gia bất động sản nào khai phá như dự án FLC Hilltop Gia Lai tại trung tâm TP Pleiku, dự án FLC Legacy Kontum tại TP Kon Tum hay dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp).
Về việc thành lập hãng hàng không, ông Quyết đã ấp ủ từ năm 2014 - 2015 và đến 2016 bắt đầu chuẩn bị về thủ tục, năm 2017 chính thức nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý xin cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways cất cánh chuyến bay đầu tiên vào đầu năm 2019.
NHỮNG LẦN "HỨA SUÔNG" VÀ DỰ ÁN "ẢO" CỦA TỶ PHÚ TRỊNH VĂN QUYẾT
Tại lễ ra mắt và giới thiệu cơ hội đầu tư FLCHomes (tổ chức tối 18/11/2019), ông Trịnh Văn Quyết đã khẳng định, trong năm 2020, 2 mã cổ phiếu BAV của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và FHH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes sẽ đạt mức 3 con số. Ngoài ra, cổ phiếu FLC cũng sẽ về mệnh giá.
Thậm chí, để chắc chắn thêm cho quan điểm này, ông hứa: "Nếu ba mã cổ phiếu này không làm được việc đó, tôi sẽ xin phá sản và thương hiệu FLC coi như vứt đi. Đó là lời hứa chắc chắn nhất, và tôi tin sẽ không bao giờ dẫn đến chuyện phá sản".
Ngay sau đó, cổ phiếu FLC và các mã có liên quan đã giao dịch sôi động ngay sáng phiên giao dịch 19/11/2019. Trong đó, mã FLC đã tăng kịch trần ngay từ khi mở cửa (đạt 4.310 đồng/cổ phiếu), khớp lệnh được hơn 2 triệu đơn vị. Dù vậy, tới phiên 12/1/2021, thị giá FLC chỉ là 5.020 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, hai mã FHH và BAV tới thời điểm hiện tại vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tập đoàn FLC, trong bối cảnh giá cổ phiếu ROS suy giảm kéo dài, ông Quyết lại tiếp tục cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm 2019, đồng thời khẳng định rằng chưa có kế hoạch bán trong tương lai.
"Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS và sẽ không bán ra ngoài, nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác", ông Quyết khẳng định. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, ông chủ của Tập đoàn FLC lại bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros từ 67,34% xuống còn 55,01%.
Bên cạnh đó nhiều lần ông Trịnh Văn Quyết bị cho là đã lừa dối nhà đầu tư. Ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định trước các cổ đông rằng, tập đoàn đã nghiên cứu và khảo sát dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, đến cuối năm 2016 mới quyết định chính thức đầu tư.
Chưa kể, ông Quyết tuyên bố Tập đoàn FLC được chính quyền tỉnh Quảng Bình tha thiết mời gọi đầu tư cho dự án cáp treo đến gần khu vực cửa hang Sơn Đoòng với mong muốn "giúp du lịch tỉnh Quảng Bình cất cánh".
Tuy nhiên, trái với thông tin ông Trịnh Văn Quyết trả lời trước cổ đông, chiều ngày 26/04/2017 ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Hiện tỉnh Quảng Bình chỉ đang lập quy hoạch để xây dựng cáp treo thăm quan Phong Nha – Kẻ Bàng. Tỉnh còn chưa có kế hoạch xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng".
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng nói: "Tôi chưa biết chủ trương này nhưng làm gì có cáp treo Sơn Đoòng". Ông khẳng định: "Không có cáp treo Sơn Đoòng, tỉnh chỉ có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng cáp treo ở khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng".
Bên cạnh đó là một loạt sai phạm tại các dự án nghìn tỷ của tỷ phú Trịnh Văn Quyết là 3 dự án của FLC bao gồm: FLC Sầm Sơn, FLC Samson Golf Links (tỉnh Thanh Hóa) và FLC Nhơn Lý (tỉnh Bình Định).
Thanh tra Xây dựng cho biết có nhiều vi phạm trong các dự án nghìn tỷ của FLC liên quan đến thực hiện theo quy hoạch được duyệt, quản lý chất lượng công trình, kinh doanh bất động sản. Ảnh: FLC.
Cụ thể, FLC Sầm Sơn và FLC Samson Golf Links bị phát hiện nhiều vấn đề về quản lý chất lượng công trình với việc không có hàng loạt hồ sơ.
Thanh tra chỉ ra các hồ sơ này có chọn nhà thầu khảo sát xây dựng, tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, giám sát việc khảo sát, lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng, hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế cơ sở... Hai dự án tại Thanh Hoá cũng đều còn thiếu hồ sơ quản lý chất lượng công trình.
FLC Samson Golf Links là dự án nằm trong quần thể FLC Sầm Sơn do FLC làm chủ đầu tư. Theo công bố từ công ty của ông Trịnh Văn Quyết, tổng mức đầu tư của dự án này lên đến 5.500 tỷ đồng. Riêng sân golf 18 lỗ đã có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Với FLC Nhơn Lý, dự án này được thi công khi doanh nghiệp chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng bị thiếu nhiều hồ sơ quan trọng như giám sát công tác khảo sát, tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng...
7 tầng khách sạn với tổng diện tích hơn 4.000 m2 của dự án FLC Sầm Sơn còn được chủ đầu tư thi công, đưa vào sử dụng khi chưa có giấy phép. Tương tự, khách sạn FLC Grand Hotel trong quần thể FLC Sầm Sơn cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng khi chưa có phép.
Năm 2020, vì không nộp tiền ký quỹ và thuê đất, dự án "khủng" tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê tại số 4 Trần Phú, quận Ngô Quyền của ông Trịnh Văn Quyết FLC đã bị Hải Phòng thu hồi, chấm dứt hiệu lực.
Cùng năm, UBND tỉnh Bình Định cũng quyết định thu hồi dự án đầu tư khu du lịch Mũi Rồng tại huyện Phù Mỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Du thuyền và Sân golf FLC Biscom do FLC chưa thực hiện hoàn thành thủ tục lập dự án đầu tư theo thời gian quy định,...
GIA ĐÌNH TỶ PHÚ TRỊNH VĂN QUYẾT
Vợ ông Trịnh Văn Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp. Bà Diệp sinh năm 1979, tuổi Kỷ Mùi. Hiện nay, vợ Trịnh Văn Quyết đang công tác tại Ngân hàng BIDV. Mặc dù, vợ ông Trịnh Văn Quyết là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng lại vô cùng bí ẩn và hiếm khi xuất hiện trên báo chí.
Ông Trịnh Văn Quyết chơi đùa cùng hai con trai Lê Huy và Lê Nam.
Gia đình chủ tịch FLC có 3 người con trai, trong đó 2 cậu con trai lớn là Trịnh Lê Huy và Trịnh Lê Nam.
GIẤC MƠ BAY CỦA TRỊNH VĂN QUYẾT - BAMBOO AIRWAYS
Bamboo Airways là hãng hàng không do Tập đoàn FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn ban đầu 700 tỷ đồng. Đến năm 2021, Bamboo đã tăng vốn lên thành 16.000 tỷ.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT của cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways, là cổ đông lớn nhất chi phối hãng bay này, FLC là cổ đông lớn thứ 2. FLC Faros cũng nắm trên 5% vốn của Bamboo.
Chỉ sau chưa đầy 1 năm, Bamboo Airways đã ký hợp đồng mua tổng cộng 50 máy bay thân hẹp Airbus A321 neo và 30 máy bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner cho một đội tàu có tính chuẩn hóa.
Bamboo Airways là hãng hàng không do Tập đoàn FLC thành lập ngày 31/5/2017.
Năm 2019, khi ông Quyết trực tiếp nêu quan điểm về mục tiêu bay thẳng Mỹ tại một diễn đàn lớn, từng thừa nhận bị nhiều người cho là "chém gió" khi nói Bamboo Airways sẽ bay thẳng tới Mỹ sớm. Nhưng ông vẫn kết lại bằng một câu nói khiến nhiều người bất ngờ: "Tôi là người nói nhiều, nhưng làm còn nhiều hơn".
Theo nhiều đánh giá, thành công mang tính bước ngoặt của chuyến bay thẳng Việt - Mỹ sẽ đặt một nền móng vững chắc, mở ra đường bay thẳng không dừng thương mại định kỳ, kết nối Việt Nam và Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử do một hãng bay Việt vận hành.
Bamboo Airways cho biết tần suất khởi đầu của đường bay dự kiến là 3 chuyến/tuần, tiến tới nâng lên thành 5 - 7 chuyến/tuần theo nhu cầu thị trường. Các chặng bay sẽ kết nối TP.HCM với hai sân bay quốc tế lớn bậc nhất của Mỹ nói riêng, và của thế giới nói chung là sân bay San Francisco và sân bay Los Angeles.
Đặc biệt, vượt trên cả những ý nghĩa về thương mại đơn thuần, việc khai thác đường bay thẳng không dừng đến Mỹ còn đóng góp mạnh mẽ vào việc thực thi nhiệm vụ chính trị, ngoại giao song phương, tăng cường kết nối giao thương và đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như ngày càng thắt chặt mối quan hệ hợp tác nồng ấm giữa hai quốc gia.
TÀI SẢN TỶ PHÚ TRỊNH VĂN QUYẾT
Tính đến ngày 24/9/2021, Chủ tịch Tập đoàn FLC đang đứng ở vị trí 35 trên sàn chứng khoán Việt Nam với số cổ phần nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp như FLC, GAB, Bamboo Airways và FLCHomes. Tổng giá trị tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết hiện tại là 4.013 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2017, mặc dù sở hữu khối tài sản tỷ USD, trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt nhưng ông không được Forbes ghi nhận tỷ phú USD mà vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này.
NHỮNG CÂU NÓI TRUYỀN CẢM HỨNG CỦA TỶ PHÚ TRỊNH VĂN QUYẾT
"Khởi nghiệp là một hành trình nhiều gian khổ và lắm đắng cay".
"Tôi mất những tháng năm tuổi trẻ ít sôi nổi và yêu đương. Những năm tháng đó là để tích lũy kinh nghiệm kinh doanh".
"Theo tôi, kinh doanh giống như leo núi, và FLC vẫn chưa leo tới đỉnh, nên chúng tôi cần tiếp tục mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác để tạo ra lợi nhuận cho tập đoàn. Đây có lẽ là điều đương nhiên trong sự phát triển của mỗi công ty, tập đoàn lớn nhỏ trên thế giới".
Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Trịnh Văn Quyết đã trải qua một thời gian dài bươn chải kiếm sống.
"Tài sản của tôi có bao nhiêu không quan trọng bằng việc đó là những tài sản chính đáng".
"Nhiều người nói hãy xem công ty như ngôi nhà thứ 2 nhưng tôi không nghĩ như vậy. Hãy coi công ty là ngôi nhà thứ nhất, cũng như gia đình mình. Buổi tối về nhà gặp người thân nhưng sáng hôm sau đến công ty cũng vẫn là quay về nhà. Nghĩ như vậy thì công ty là gia đình, đồng nghiệp là anh em và chăm chút cho công ty cũng chính là chăm chút cho ngôi nhà của mình".
Thế nhưng cái gì cũng có giá của nó, để có một sự nghiệp rực rỡ như ngày hôm nay, ông đã phải đánh đổi nhiều thời gian của gia đình lớn và gia đình nhỏ. Như ông Quyết đã từng chia sẻ, bản thân ông một ngày làm việc trên 10 giờ, thời gian ngủ chỉ có từ 4- 5 giờ, thời gian quý giá và bận rộn từng phút nên ông phải luôn cố gắng cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.
Hải Yến
Doanh nghiệp tiếp thị