Ngày 26-9, hội nghị trực tuyến đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được tiến hành. Tại đây, cộng đồng DN nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Từ đó, vừa chống dịch hiệu quả, thành công vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Cần cấp độ, lộ trình phù hợp
Hội nghị này được tiến hành theo đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu: “Đợt bùng dịch lần thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “zero COVID”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các DN sẽ sụp đổ”.
Thủ tướng trao đổi với các doanh nhân tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP
Ông cho hay: Cộng đồng DN thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Điều này sẽ thay đổi chiến lược ứng phó với COVID-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh.
“Từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế” - ông Công nói và cho rằng cả hai mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau.
Sau khi đề nghị đổi tên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, để đại diện cộng đồng DN có sự tham gia trong ban chỉ đạo, ông Công đánh giá cao Nghị quyết 105 Chính phủ ban hành hôm 9-9. Ông đề nghị việc xây dựng và thực thi chính sách cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện phù hợp và phải có sự đổi mới.
Áp dụng thẻ xanh COVID, bỏ giấy đi đường
Chủ tịch VCCI đề nghị các bộ Y tế, TT&TT, Công an khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thẻ xanh COVID, thống nhất sử dụng một nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan; điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, giấy phép lao động cho phù hợp… Qua đó để tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực lao động, chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đề xuất này nhận được nhiều ủng hộ từ DN, đặc biệt là các công ty du lịch. Ông Phạm Duy Nghĩa, Tổng giám đốc Vietfoot Travel, chia sẻ: “Nhiều quốc gia trên thế giới đã thúc đẩy mô hình thẻ xanh với hy vọng hồi sinh nền kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam chúng ta cũng không phải ngoại lệ”.
Ông Nghĩa còn cho rằng thẻ xanh nên được số hóa, tăng sự thuận tiện khi kiểm tra, giám sát người dân. Mặt khác, các tỉnh, thành cũng cần có cơ chế rõ ràng trong phương án “di chuyển xanh” để tránh tình trạng tỉnh A nói tỉnh B cản trở lưu thông của người dân, DN.
Ông Tetsu Funayama, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), kiến nghị sớm bãi bỏ giấy đi đường, cho phép người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 được di chuyển tự do toàn quốc. Vì việc này gây nhiều khó khăn, thậm chí tuyển được nhân sự mới nhưng họ không có giấy đi đường nên không đến công ty ký hợp đồng và làm việc được.
“Chúng tôi mong muốn hủy bỏ giấy đi đường để giảm gánh nặng cho DN, có thể thay vào đó là chứng nhận đã tiêm chủng. Ngoài ra, các công ty quy mô lớn tốn rất nhiều nhân lực để làm thủ tục xin giấy đi đường cho hàng ngàn nhân viên, nhiều lúc không kịp thời hạn chính quyền đặt ra” - ông Tetsu Funayama cho biết.
Chuyển trạng thái an toàn để phát triển kinh tế
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương chuyển trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế; ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.
“Có giải pháp phù hợp thì chúng ta yên tâm, tự tin chuyển đổi trạng thái, không quá lo lắng. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh phải tránh hai khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và bi quan, lo lắng, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, đưa ra các giải pháp cực đoan” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho hay: Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Gần hai năm qua đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh hợp tác công - tư vì không có gì mà không hợp tác được. “Những gì người dân, DN làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm. Chúng tôi mong muốn cộng đồng DN thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống…” - Thủ tướng nói.
Ông cũng đề nghị các DN tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới và tin rằng Chính phủ, Quốc hội cố gắng đồng hành cùng DN một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thật”; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn của người dân và DN.•
Chỉ tập trung chống dịch sẽ hết nguồn lực Chống dịch và phát triển kinh tế phải song song. Nếu chỉ tập trung chống dịch chúng ta sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe nhân dân. Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH |
“Mở cửa là mệnh lệnh của cuộc sống” Tại hội nghị, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc cho rằng mở cửa hiện nay là mệnh lệnh của cuộc sống để giải cứu DN. “Sức chống chịu của các DN và nền kinh tế... đang tiến tới ngưỡng tới hạn và mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các DN. Mở cửa chậm hơn là chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các DN của chúng ta đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư” - ông Lộc nói. Tuy vậy, ông cũng đồng quan điểm mở cửa phải an toàn và coi “Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là cẩm nang sống chung an toàn với dịch. Nếu hướng dẫn này được ban hành, tổ chức thực hiện một cách khẩn trương, nhất quán ở tất cả ngành, các địa phương và các cấp chính quyền thì theo ông Lộc sẽ khắc phục được tình trạng: “mỗi nơi một phách”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “ngăn sông cấm chợ”, “một ngõ có FO, cả làng phong tỏa”... gây khó cho người dân, DN. Nhân rộng mô hình doanh nghiệp chủ động Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Công ty Geleximco, cho rằng nếu không mở cửa thị trường và sản xuất thì không chết vì COVID-19 mà chết vì đói nghèo khi có rất nhiều đối tượng tổn thương, không có đủ điều kiện tối thiểu. “Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều DN có thể không tồn tại được và cũng không ngân sách nào có thể hỗ trợ mãi được, chỉ có thể mở cửa, mở cửa từng bước an toàn” - ông Tiền nhấn mạnh. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, nhấn mạnh rằng cần trao quyền chủ động chống dịch cho DN theo hướng DN đăng ký mục tiêu đảm bảo sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. “Tại tỉnh An Giang đã có sự linh hoạt cho DN tự chủ test nhanh kháng nguyên COVID-19, được phép nhập khẩu dụng cụ test nhanh... Cần nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho DN tiếp nhận tài trợ chống dịch thì được miễn thuế giá trị gia tăng” - ông Dương đề xuất. |