Cách đây gần 25 năm, khi những lon sữa bột đầu tiên của Việt Nam có mặt ở thị trường Trung Đông với thương hiệu Dielac, ít ai ngờ rằng, đến nay tên gọi này đã thân thuộc và phổ biến đến mức mà người dân dùng từ "Dielac" như một cách gọi đại diện cho mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em tại đây.
Đây không chỉ thành công của một thương hiệu có được tại thị trường nước ngoài, mà còn là dấu ấn của ngành sữa Việt Nam khi nhắc về những bước chân đầu tiên đưa sản phẩm "Made in Vietnam" đi ra thế giới. Dấu ấn đó được gắn liền với một doanh nghiệp đã có 45 năm gắn bó với nhiều thế hệ người Việt: VINAMILK.
Mỗi sản phẩm của Vinamilk khi "xuất ngoại" đều mang theo những câu chuyện nhiều ý nghĩa, đầy tâm huyết của người tiên phong mở lối cho ngành sữa Việt Nam, trên hành trình đưa một thương hiệu quốc gia vươn ra toàn cầu.
Vinamilk
"Mở cửa" được thị trường là điều khó khăn nhất của bất cứ doanh nghiệp nào khi tiếp cận thị trường mới. Vinamilk không phải ngoại lệ, nhất là trong một ngành mà Việt Nam gần như không có thế mạnh, như sữa, cho dù chất lượng sản phẩm để đạt các tiêu chuẩn của quốc gia sở tại lại là yếu tố tiên quyết để vượt qua được rào cản "biên giới hữu hình".
Thế nhưng, còn có một "biên giới vô hình" rất quan trọng là sự tiếp cận với người tiêu dùng bản xứ. Vinamilk đã làm điều đó như thế nào? Câu chuyện về "sữa đặc quốc dân" mang thương hiệu "Ông Thọ" phần nào gợi mở câu trả lời khi khai thác văn hóa ẩm thực và hương vị Việt. Bởi đây chính là cách mà "Sữa đặc Ông Thọ" của Vinamilk "chu du" hơn 21 quốc gia, "mở cửa" thành công nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật, Canada…
"Xa quê hương, những người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn có nỗi nhớ về hương vị gắn liền với kỷ niệm như bánh mì nóng chấm sữa đặc hay ly cà phê sữa sánh đậm kiểu Việt Nam. Điều này đã thôi thúc Vinamilk mang các sản phẩm sữa đặc "xuất ngoại"", đại diện của Vinamilk nói.
Cho nên, khi mở được "cánh cửa" đầu tiên bằng việc phục vụ người Việt ở nước ngoài, mang đến hương vị từ những lon sữa đã thân thuộc, gắn bó với họ, chính những người Việt xa quê này đã trở thành "cầu nối" để Vinamilk giới thiệu được "hương vị Việt Nam" đến với người dân bản xứ. Ai thử một lần cũng mê mẩn cái vị thơm, ngon từ loại sữa đặc "quốc dân" này khi dùng cùng bánh mì, hay để pha cà phê theo kiểu Việt Nam.
Còn tại thị trường Trung Quốc, Vinamilk thành công tiếp cận người tiêu dùng nhờ vào ấn tượng về "sữa chua kiểu Việt Nam". Xuất thân của tên gọi này bắt nguồn từ việc khách du lịch đến Việt Nam có dịp thử sản phẩm sữa chua Vinamilk đều rất thích bởi hương vị thơm ngon, được phối với loại trái cây nhiệt đới, hay loại sữa chua nếp cẩm - món đặc trưng chỉ có ở Việt Nam.
Từ nhu cầu này, Vinamilk nhạy bén nắm bắt được thị hiếu và dốc lực tìm hiểu thị trường để tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc. Với thế mạnh về sản xuất dòng sản phẩm chủ lực này tại Việt Nam, Vinamilk đã nghiên cứu những loại sữa chua trái cây khác nhau để giới thiệu và được đối tác Trung Quốc đặc biệt khen ngợi, trở thành sản phẩm đặc trưng được người dân yêu thích.
Việc sữa chua Vinamilk thành công lên kệ chuỗi siêu thị Hema (Alibaba) hay trở thành Top 3 sản phẩm lạnh bán chạy tại siêu thị Thiên Hồng ở tỉnh Hồ Nam, nơi mà tính cạnh tranh với các công ty nội địa luôn rất khốc liệt, hoàn toàn không dễ dàng gì. Nhưng thành công được khẳng định từ chính "hương vị Việt Nam".
Trong thành công của các thương vụ xuất khẩu của Vinamilk đều có sự nhạy bén trong việc nhận định được những lợi thế về thị hiếu tiêu dùng, chọn đúng sản phẩm nhắm đến đối tượng mục tiêu.
Nhưng "yếu tố thành công" mang tính quyết định giúp Vinamilk đi xa hơn tại mỗi thị trường, được đón nhận bởi của người tiêu dùng quốc tế, theo lãnh đạo Vinamilk, luôn bắt đầu từ hai chữ "sản phẩm".
Câu chuyện của Vinamilk tại Trung Đông là một điển hình sống động. Thương hiệu sữa bột Dielac, bột ăn dặm RiDielac đã trở thành bạn đồng hành của nhiều thế hệ trẻ em trong suốt 25 năm qua. Nếu ngày đầu, sản phẩm chỉ có một loại với bao bì lon dài có trọng lượng 450g, thì đến nay, dòng sản phẩm này đã được phát triển với gần 30 loại với 4 dung lượng bao bì khác nhau, phù hợp cho nhu cầu sử dụng đặc trưng đại gia đình, nhiều thành viên sống cùng nhau theo văn hóa tại đây.
Trong tương lai, Vinamilk cho biết sẽ tiếp tục cải tiến, phát triển thêm nhiều công thức sản phẩm, không chỉ phong phú hương vị mà cả chủng loại cho từng phân khúc chuyên biệt dành cho người lớn tuổi, thai phụ... bởi trong mỗi sản phẩm của Vinamilk đều chứa đựng sự am hiểu về thị trường và nhu cầu dinh dưỡng của người dân địa phương.
Đơn cử như dòng sữa bột trẻ em, tình trạng thiếu Vitamin A của phần đông trẻ em châu Phi rất phổ biến. Ngay lập tức, Vinamilk đã thực hiện chương trình bổ sung Vitamin A và khoáng chất cần thiết trong các sản phẩm tại đây.
Không những vậy, Vinamilk còn "may đo" được các sản phẩm riêng cho thị trường xuất khẩu chứ không chỉ "dựa" vào sản phẩm thế mạnh sẵn có. Không chỉ bổ sung các dưỡng chất thiết yếu, hương vị, các sản phẩm của Vinamilk còn được chú trọng cho sự đa dạng, thơm ngon, phù hợp với sở thích của trẻ em tại các thị trường khác nhau. Chỉ riêng dòng sản phẩm bột dinh dưỡng, tính đến nay, Vinamilk đã phát triển hơn 66 loại khác nhau xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đại diện của Vinamilk, đây cũng chính là lợi thế giúp doanh nghiệp này có được nhiều đơn hàng lớn, với các hợp đồng lên đến hàng chục triệu USD xuất khẩu đi Trung Đông hàng năm.
Ngoài ra, các thị trường truyền thống có thế mạnh như Trung Đông, cũng đã được Vinamilk "tiến công" vào các thị trường mới, nổi tiếng khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhờ vào "tấm vé thông hành" là các tiêu chuẩn quốc tế.
Đơn cử như câu chuyện về hộp sữa tươi hữu cơ đạt chuẩn Organic châu Âu của Vinamilk hiện đã chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường Singapore ở phân khúc organic cao cấp, vốn rất cạnh tranh và nhiều thách thức. Hay tại Nhật Bản, đất nước nổi tiếng về yêu cầu chất lượng, nhiều sản phẩm Vinamilk đã thâm nhập thành công nhờ vào chất lượng sản phẩm và cả dịch vụ.
Không chỉ có Trung Đông, nơi Vinamilk gắn bó 25 năm, việc tiếp cận thị trường châu Phi ở vùng đất khi còn "chưa có gì". Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, lãnh đạo công ty đã đánh giá đây là thị trường đầy tiềm năng.
Quả nhiên, đến năm 2012, châu Phi chuyển mình phát triển rõ rệt, Vinamilk gặt hái được "quả ngọt" sau thời gian dài "nằm gai nếm mật". Vinamilk khi đó đã hiểu rõ bạn hàng, thị hiếu người tiêu dùng chứ không phải loay hoay tìm kiếm thông tin, đối tác như các doanh nghiệp, tổ chức đến sau.
Tương tự, thành quả đền đáp cho 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu và nỗ lực của Vinamilk tại thị trường Hàn Quốc chính là sự đồng hành của đối tác và các hợp đồng xuất khẩu sữa hạt, trà sữa trong bối cảnh COVID-19 bùng phát ở nhiều nước.
Hay trong thời điểm logistics khó khăn, tiêu dùng sụt giảm, các đơn hàng như sữa tươi chứa tổ yến, sữa chua uống của Vinamilk vẫn nối tiếp "bay" sang Singapore trong năm nay nhờ sự đồng hành của Vinamilk cùng đối tác.
Đây là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác đã quyết định thu hẹp, tập trung nội địa hay điều chỉnh giá hòng đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, Vinamilk vẫn chọn cách kiên trì đồng hành cùng đối tác, đảm bảo các sản phẩm dinh dưỡng đến tay người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn, là điều mà doanh nghiệp đã cam kết dù ở bất cứ quốc gia nào.
Các chương trình hỗ trợ thương mại, trợ giá sản phẩm, đảm bảo sản xuất cung ứng đúng thời gian, chất lượng… là mọi hành động thiết thực mà Vinamilk tập trung trong hai năm qua để cùng "vượt bão" COVID-19. Nhờ đó, doanh thu đến từ mảng xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng trưởng ấn tượng hai con số, trong bối cảnh mà các quốc gia trên thế giới đang lao đao vì đại dịch.
Chạm mốc doanh thu xuất khẩu lũy kế 1 tỉ USD với 26 quốc gia từ năm 2010, đến nay, "Giấc mơ sữa Việt" đã vươn xa đến 56 quốc gia trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu lũy kế hiện đạt hơn 2,5 tỉ USD.
Nỗ lực không ngừng nghỉ chinh phục người tiêu dùng quốc tế thể hiện đậm nét hơn khi Vinamilk tăng liên tiếp 6 hạng, vươn lên vị trí thứ 36 trong "Top 50 doanh nghiệp sữa hàng đầu thế giới" đầu năm 2021. Cùng năm, thương hiệu Vinamilk đã được định giá 2,4 tỉ USD, chính thức trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong các bảng xếp hạng lớn như Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và Top 5 thương hiệu thực phẩm mạnh nhất thế giới… Khát vọng đưa "Giấc mơ sữa Việt" phủ sóng quốc tế ngày một vững chắc hơn để đưa Vinamilk hướng đến mục tiêu lọt top 30.
Và sau 45 năm kể từ ngày thành lập, với gần 25 năm kinh nghiệm "chinh chiến" quốc tế cùng nhiều thăng trầm vượt qua các giai đoạn khó khăn, Vinamilk xứng đáng đại diện cho thương hiệu quốc gia trong hành trình đưa sữa Việt vươn mình toàn cầu ở kỷ nguyên mới.
Hành trình bền bỉ của doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước không chỉ mở ra những bước phát triển cho tương lai của chính họ, mà còn để lại dấu son trên bản đồ sữa thế giới bằng chính niềm tự hào về những sản phẩm và thương hiệu của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua để nói về định hướng tương lai của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, cho hay lô sữa xuất khẩu đầu tiên cách đây gần 25 năm mà Vinamilk đã thành công là "nhờ chứng minh được chất lượng và uy tín với đối tác".
"Đó vẫn là định hướng để chúng tôi chinh phục thị trường quốc tế trong tương lai. Không phân biệt trong hay ngoài nước, tại bất cứ đâu, Vinamilk đều nỗ lực để thực hiện cam kết mang đến các sản phẩm chất lượng quốc tế, tốt cho sức khỏe đến với người tiêu dùng", bà Mai Kiều Liên chia sẻ đầy tâm huyết.
Theo bà Liên, tại những thị trường truyền thống có thế mạnh, công ty sẽ cân nhắc tiến tới đầu tư phân phối, sản xuất tại chỗ như liên doanh tại Philippines sắp ra sản phẩm thương mại trong năm nay.
"Còn tại các thị trường mới tiềm năng, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ với đối tác và đầu tư cho R&D để chinh phục thị trường bằng các sản phẩm đặc sắc, phù hợp nhất với người tiêu dùng bản địa", tổng giám đốc Vinamilk cởi mở, nói.
Xem thêm: mth.93981725101801202-et-couq-gnourt-uad-nert-teiv-aus-nos-uad-klimaniv/nv.ertiout