Gần đây, thông tin ông David Dương , Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (Mỹ), đã tặng 1.000 máy trợ thở tự tạo khí ôxy cho Việt Nam, tổng trị giá lô hàng là gần 3 triệu USD nhận được sự quan tâm không nhỏ.
Máy trợ thở này cấu tạo máy nhẹ, có pin hỗ trợ liên tục hoạt động trong vòng 8 giờ nếu xảy ra sự cố mất điện và tiện lợi sử dụng trong trường hợp cần di chuyển bệnh nhân trên các phương tiện không trang bị máy cung cấp ôxy; phục vụ bệnh nhân điều trị tại nhà hoặc trang bị cho các bệnh viện dã chiến.
Trước đó, cuối tháng 8, thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco - Mỹ, ông David Dương cũng đã trao tặng Chính phủ Việt Nam 250 máy trợ thở loại tự tạo khí oxygen, tổng trị giá 750.000 USD.
Ông David Dương (trái) bên lô hàng máy trợ thở.
Ông David Dương là ai?
David Dương là một người Mỹ gốc Việt với tên tiếng Việt là Dương Tử Trung. Cha ông là Dương Tài Thu, ông chủ của hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn vào những năm 1970, Cogido.
David Dương được mệnh danh là "vua rác" - khởi nghiệp từ con số 15 triệu đồng và về sau tạo dựng được vị thế ngang hàng cùng các đại gia trong ngành thu gom rác thải ở Mỹ qua những gói thầu hàng trăm triệu USD.
Câu chuyện về hành trình trở thành "vua rác" bắt đầu vào cuối năm 1980, gia đình David Dương sang định cư ở San Francisco (Mỹ).
Trong lần đi thăm quan quanh thành phố, nhận thấy các loại giấy, chai lọ, lon nhôm được mang ra từ rất nhiều nhà cao tầng, cha của ông nảy ra ý định tái chế những loại rác này. Nhiều ngày, David Dương và các người anh em lên một chuyến xe buýt, nhiệm vụ là quan sát có nhà máy thu mua phế liệu hay không.
Một vài ngày sau, cả nhà phát hiện ra rằng ở tuyến xe buýt số 16 sẽ thấy có một trạm thu mua phế liệu, và đó chính là cách gia đình David Dương bắt đầu làm ăn. Sau giờ học, các thành viên trong gia đình đi thu thập bìa các tông từ khoảng 7 hoặc 8 giờ tối cho đến nửa đêm. Họ thu gom phế liệu và bán lại cho các nhà máy.
"Vua rác" David Dương có sự nghiệp thành công ở Mỹ.
Ở đất khách quê người lạc lõng, David Dương nhớ bài học cha mẹ dạy nếu không dành dụm lúc đầu thì không sung túc về sau. Thời gian đó, gia đình đã phải rất tằn tiện để hi vọng có ngày mở rộng kinh doanh.
Với 700 USD gom góp được của các thành viên trong gia đình, gia đình ông đã mua trả góp một chiếc xe tải cũ giá hơn 2.000 USD, để thu gom phế liệu khắp thành phố, về phân loại và bán lại kiếm sống. Chiếc xe thứ 2, thứ 3, rồi thứ 4,... dần dần đã trở thành phương tiện kiếm sống của nhà họ Dương.
Công việc dần thuận lợi, gia đình David Dương có thể mua được các loại xe, mở cơ sở thu gom và tái chế rác thải ra nhiều thành phố Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa...
Năm 1991, gia đình David thành lập một công ty tái chế rác mang tên California Waste Solutions (CWS), gần như độc chiếm trong quá trình bỏ thầu để thu thập rác tái chế ở Oakland và San Jose.
Giữa năm 2015, CWS đã chính thức vận hành gói thầu xử lý rác trị giá hơn tỷ USD cùng với đối thủ là công ty về thu gom và xử lý rác lớn nhất nước Mỹ - Waste Management (WM) cho thành phố Oakland.
Ngày đầu tháng 7/2021, Công ty của ông David Dương đã được phép ký lại hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose (Mỹ) có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỉ USD. CWS cũng vừa mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland (Mỹ) để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế.
Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm.
Tại Việt Nam, ông David Dương mở Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS, 100% vốn từ CWS) để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước từ nhiều năm trước.
Hoàng Linh
Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.15781934172901202-ia-al-hcid-gnohc-oht-ort-yam-0001-gnat-auv-ym-o-teiv-iougn-aig-iad/nv.zibefac