Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh cuối phiên 27-9. Trong ảnh: nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến ở một phiên giao dịch - Ảnh: BÔNG MAI
Khởi động phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo theo chiều hướng giảm, càng gần cuối phiên áp lực bán càng mạnh và diễn ra trên diện rộng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán lao dốc đến từ dự đoán GDP quý 3-2021 có thể âm 2% so với cùng kỳ trước (tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 có thể đạt 3,5 - 4%), kèm theo tin một số công ty chứng khoán giảm cho vay margin (vay ký quỹ).
Trong ngày, nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn bị giảm giá cổ phiếu mạnh, điển hình Masan (MSN), Vinhomes (VHM), Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC), Thế giới di động (MWG)...
Cổ phiếu nhiều ngân hàng lớn cũng bị nhà đầu tư bán ra như Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), Vietinbank (CTG), VIB (VIB)...
Ngược dòng, một số doanh nghiệp vẫn đón dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu, chẳng hạn Vietjet Air (VJC), Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC), Petrolimex (PLX), Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (ABS), Đức Long Gia Lai (DLG)...
Giữa lúc thị trường đỏ lửa, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải đường thủy lại vươn lên sắc xanh - tím nhờ lực mua tốt, trong đó có Cảng Đồng Nai (PDN), Vận tải biển Việt Nam (VOS), Phát triển Hàng Hải (VMS)...
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, nhóm ngành bị giảm điểm mạnh rơi vào hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp, bất động sản, dịch vụ tiện ích, tài chính, nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe...
Hôm nay các cổ phiếu thuộc "nhóm Louis" tiếp tục gây chú ý khi đồng loạt giảm sâu hoặc giảm sàn, sau thời gian tăng trưởng nóng và bị nhà đầu tư nghi vấn thao túng.
Cuối phiên, cổ phiếu của Louis Capital (TGG) nằm sàn với giá 60.300 đồng, Louis Land (BII) giá 19.800 đồng, Chứng khoán APG (APG) giá 19.900 đồng, Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) giá 33.300 đồng, Sametel (SMT) giá 29.000 đồng...
Như vậy, trong vòng một tuần nay, sau khi lập đỉnh, giá cổ phiếu các doanh nghiệp trên giảm dao động 16 - 36%.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 26,18 điểm (-1,94%) xuống 1.324,99 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 21.787 tỉ đồng. Toàn sàn có 376 mã rớt giá, gấp 8 lần mã tăng giá.
Rổ VN30 cũng chìm trong sắc đỏ, giảm 20,74 điểm (-1,42%) xuống 1.439,2 điểm.
Ở sàn HNX và rổ HNX30 cũng bị giảm lần lượt 6,62 điểm (-1,84%) xuống 352,01 điểm và 15,93 điểm (-2,75%).
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 26.853 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với phiên trước, bao gồm ba sàn HoSE, HNX và UPCoM.
Hôm nay khối ngoại cũng bán ròng gần 240 tỉ đồng, trong khi phiên trước mua ròng 160 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu tháng 9 đến nay, khối ngoại đã bán ròng 14/17 phiên với tổng giá trị hơn 35.750 tỉ đồng.
TTO - Nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Vietnam Airlines xin đặc cách không hủy niêm yết trên HoSE, dù âm vốn chủ sở hữu. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu hãng này được đặc cách thì có tạo tiền lệ xấu trên sàn chứng khoán.
Xem thêm: mth.7281154172901202-nas-maig-cut-peit-siuol-mohn-ueihp-oc-cod-oal-naohk-gnuhc/nv.ertiout