Các quan chức Trung Quốc và chuyên gia WHO tổ chức họp báo chung khi kết thúc cuộc điều tra chung của WHO và Trung Quốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 2 năm nay - Ảnh: AP
Tính đến 15h30 chiều 27-9, sau hơn một năm rưỡi kể từ lúc chính thức ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2020, đã có hơn 232 triệu người trên thế giới mắc COVID-19. Trong đó, hơn 4,7 triệu người đã tử vong, theo trang Worldometers.
Sau khi cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 bị đình trệ, giờ đây một nhóm điều tra mới gồm khoảng 20 nhà khoa học đang được tập hợp lại để thực hiện nhiệm vụ săn lùng bằng chứng mới ở Trung Quốc và các nơi khác.
Nhóm này được đặt tên là "Nhóm Cố vấn khoa học về nguồn gốc của các mầm bệnh mới". Đây là một nhóm thường trực giúp WHO điều tra các đợt bùng dịch trong tương lai và xác định đâu là các hoạt động của con người làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh mới.
Với sứ mệnh đó, Nhóm Cố vấn khoa học về nguồn gốc của các mầm bệnh mới sẽ phụ trách cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Các nhà khoa học này bao gồm các chuyên gia về an ninh sinh học và an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học, các chuyên gia bệnh động vật có hiểu biết sâu về cách thức virus lây lan từ tự nhiên.
Theo các quan chức WHO, nhóm chuyên gia mới nói trên chịu trách nhiệm điều tra về các khả năng COVID-19 xuất hiện. Trong số này có giả thuyết COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm - giả thuyết đã khiến Trung Quốc tức giận và kiên quyết bác bỏ thời gian qua.
WHO cho biết sáng kiến mới sẽ giúp đẩy nhanh cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19. Các quan chức WHO cảnh báo không còn nhiều thời gian để xác định nguồn gốc đại dịch này.
Bởi lẽ có thể sẽ không còn tận dụng được các mẫu máu thu từ các bệnh nhân COVID-19 sớm nhất. Các kháng thể ở những bệnh nhân này đang biến mất dần, đến mức không thể phát hiện được.
Thời gian qua Mỹ và các đồng minh của Washington đã hối thúc WHO mở cuộc điều tra mới về nguồn gốc COVID-19.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối. Bắc Kinh cho rằng bất kỳ cuộc điều tra mới nào về nguồn gốc COVID-19 nên tập trung vào nước khác, trong đó có Mỹ.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi của WHO về việc điều tra lại nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi WHO kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu gốc và các mẫu máu thu từ các ca nghi nhiễm năm 2019, đồng thời cho phép tiếp cận các phòng thí nghiệm như Viện Virus học Vũ Hán.
Trước đó, nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán vào tháng 1-2021 đã không đưa ra kết luận rõ ràng về nguồn gốc đại dịch. Báo cáo chung của WHO và Trung Quốc sau cuộc điều tra cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Trong báo cáo cuối cùng, nhóm chuyên gia WHO cho biết dữ liệu do các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp trong chuyến công tác này không đủ để trả lời các câu hỏi quan trọng về thời gian, địa điểm và cách thức virus bắt đầu lây lan.
TTO - Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận Tổng thống Joe Biden đã nhắc đến vấn đề nguồn gốc COVID-19 trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, bà Psaki từ chối tiết lộ chi tiết.
Xem thêm: mth.52785535172901202-91-divoc-cog-nougn-art-ueid-iom-mohn-pal-ohw/nv.ertiout