Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 70/2021 có hiệu lực từ ngày 1-10-2021 thay thế Thông tư 293/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (PSDĐB thu qua đầu xe). Theo quy định mới, đối tượng chịu PSDĐB là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự.
Đơn vị thu phí trích lại 1,32% thay vì 1,2%
Thông tư 70/2021 có một số điểm mới so với thông tư cũ. Cụ thể, tại điểm a.5 khoản 2 Điều 9 thông tư này bổ sung thêm điều kiện đối với xe kinh doanh vận tải (KDVT) thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên. “Ngày Sở GTVT xác nhận vào đơn xin tạm dừng lưu hành là căn cứ xác định thời gian tạm dừng lưu hành để xét thuộc trường hợp không chịu phí” - Thông tư 70 hướng dẫn chi tiết.
Đối với trường hợp xe KDVT có thời gian nghỉ lưu hành thực tế lớn hơn so với thời gian dự kiến trên 30 ngày thì chậm nhất là ngày thứ 30, DN KDVT phải làm đơn xin tạm dừng lưu hành gửi Sở GTVT xác nhận bổ sung. Trường hợp DN KDVT không làm đơn hoặc làm đơn xin tạm dừng lưu hành, đã có xác nhận của Sở GTVT nhưng không nộp cho đơn vị đăng kiểm trong vòng hai ngày làm việc thì vẫn phải chịu phí cho xe nghỉ lưu hành. Riêng với trường hợp thời gian nghỉ lưu hành thực tế lớn hơn so với thời gian dự kiến nhưng không quá 30 ngày thì DN KDVT không phải làm đơn xin tạm dừng lưu hành bổ sung.
Một số điểm mới khác được Thông tư 70 quy định là Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị thu phí đối với ô tô của lực lượng quốc phòng, công an thay thế cho Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương như trước đây. Còn đối với ô tô của các tổ chức, cá nhân đăng ký tại Việt Nam (trừ ô tô của lực lượng công an, quốc phòng) vẫn được các đơn vị đăng kiểm thu phí như cũ.
Theo quy định mới, đối tượng chịu PSDĐB là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành, bao gồm ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự. Ảnh: THY NHUNG
Ngoài ra, thông tư cũng điều chỉnh đơn vị thu phí được trích để lại 1,32% số PSDĐB thay vì 1,2% như quy định cũ. Đặc biệt hơn, trong phụ lục ban hành kèm theo, Thông tư 70 bổ sung xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh mà trước đây mức thu này chỉ quy định đối với xe đăng ký tên cá nhân.
Đề xuất miễn, giảm phí sử dụng đường bộ
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, TP áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó nhiều cá nhân, đơn vị KDVT buộc phải để xe nằm bãi và không sử dụng đường bộ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đối với các loại xe cá nhân nên miễn truy thu PSDĐB, còn xe KDVT cũng nên giảm mức phí để hỗ trợ khó khăn cho người dân và DN.
Anh Bùi Văn Dũng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết xe anh đã hết hạn đăng kiểm trong thời gian nằm bãi, sau khi hết giãn cách anh sẽ phải đưa xe đi kiểm định và phải đóng tiền truy thu PSDĐB dù xe không chạy. “Tôi nghĩ Nhà nước nên xem xét miễn PSDĐB cho người dân trong thời gian xe không hoạt động” - anh Dũng nói.
Đồng quan điểm, một DN KDVT tại TP.HCM cũng cho rằng trong thời gian xe không hoạt động thì không nên thu PSDĐB để hỗ trợ một phần cho các DN phục hồi khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết sau hơn 1,5 năm đại dịch hoành hành, ngành vận tải bị ảnh hưởng khá nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch. Một số DN đã giải thể, số còn lại thì đang trên bờ vực phá sản. “Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nhánh vận tải hàng hóa đạt sản lượng/doanh thu khoảng 40%-50%, còn nhánh vận tải hành khách chỉ đạt 20%-25%. Khả năng phục hồi phải mất khoảng 2-3 năm sau khi công bố hết dịch” - ông Tính cho hay.
Do đó, ông Tính đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ ngành vận tải như giảm lãi suất ngân hàng, không xử phạt xe quá hạn đăng kiểm, giãn nợ, kéo dài thời gian miễn đóng bảo hiểm… Riêng với PSDĐB, ông Tính đề xuất: “Nhà nước nên giảm PSDĐB lên đến 50%-60% cho DN vận tải và kéo dài thời gian giảm phí đến hết tháng 12-2022, đồng thời xem xét giảm các khoản phí đi qua các trạm BOT”.•
Mức thu phí đường bộ áp dụng từ ngày 1-10 Thông tư 70/2021 quy định mức PSDĐB sẽ được thu như sau: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh đóng 130.000 đồng/tháng, 1,56 triệu đồng/năm; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định nêu trên); xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đóng 180.000 đồng/tháng, 2,16 triệu đồng/năm. Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg đóng 270.000 đồng/tháng, 3,24 triệu đồng/năm; xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg đóng 390.000 đồng/tháng, 4,68 triệu đồng/năm. Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg đóng 590.000 đồng/tháng, 7,08 triệu đồng/năm. xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg đóng 720.000 đồng/tháng, 8,64 triệu đồng/năm. Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg đóng 1,04 triệu đồng/tháng, 12,48 triệu đồng/năm; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên đóng 1,43 triệu đồng/tháng, 17,16 triệu đồng/năm. |