vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia: Đông Nam Á phải đặc biệt thận trọng khi mở cửa

2021-09-28 08:14

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á bắt đầu từ bỏ chiến lược “zero COVID” (đưa số ca nhiễm về 0) và lên lộ trình tiến tới sống chung với virus SARS-CoV-2. Diễn biến này có vẻ giống những gì nhiều nước phương Tây đã thực hiện, theo đài CNN. Dù đồng ý đây là xu hướng không thể tránh, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng các nước Đông Nam Á vẫn phải đặc biệt thận trọng, vì so với phương Tây, ở Đông Nam Á nhiều điều kiện để mở cửa vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Chuyên gia: Đông Nam Á phải đặc biệt thận trọng khi mở cửa - ảnh 1
Người dân tập trung hát karaoke tại một công viên ở ngoại ô thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 19-9. Ảnh: CNN

Áp lực mở cửa

Dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh ở Đông Nam Á từ mùa hè này, chủ yếu vì biến thể Delta. Số ca nhiễm tăng cao liên tục trong tháng 7 và lên đến đỉnh điểm ở nhiều nước vào tháng 8.

Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều nước Đông Nam Á đưa vào thực hiện nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch. Chẳng hạn như Malaysia, Indonesia giãn cách toàn quốc, Thái Lan thì giãn cách ở các khu vực nguy cơ cao. Hàng triệu người được lệnh ở nhà, không tụ tập, di chuyển nội địa bị cấm, trường học đóng cửa, giao thông công cộng ngưng hoạt động… Các biện pháp này giúp số ca nhiễm mỗi ngày ở khu vực giảm dần nhưng hiện vẫn ở mức cao. Theo số liệu từ ĐH John Hopskin (Mỹ), thời điểm này mỗi ngày Philippines vẫn ghi nhận mức 20.000 ca nhiễm; Thái Lan, Malaysia khoảng 15.000 ca/ngày; Indonesia thì giảm nhiều hơn với mức hiện tại khoảng vài ngàn ca/ngày.

Theo CNN, các nước Đông Nam Á đang chịu áp lực rất lớn phải mở cửa khi sinh kế, kinh tế và cả sự kiên nhẫn của người dân đã suy kiệt qua gần hai năm đại dịch. “Hàng triệu người đang phải chật vật cho nhu cầu thiết yếu mỗi ngày. Một lượng lớn người dân châu Á sống bữa nay lo bữa mai và họ bị ảnh hưởng nặng vì sự suy thoái kinh tế này” - theo chuyên gia Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Thêm nữa, vì đại dịch kéo dài, các địa phương hết siết chặt lại nới lỏng rồi lại tái siết chặt, không chỉ đói mà rất nhiều người còn đang phải chịu đựng các sang chấn tinh thần vì giãn cách kéo dài. Có thể nói, các chính phủ đang chịu áp lực rất lớn phải mở cửa.

Đây là “tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng” mà các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo các nước phải đối mặt, theo chuyên gia Rimal. Có thể hình dung thế lưỡng nan này như sau: “Chúng tôi biết vaccine là giải pháp chính nhưng chúng tôi không được tiếp cận với vaccine, trong khi chúng tôi chứng kiến người dân đang phải vật lộn và đối mặt với thực tế mất việc làm”.

Phải đặc biệt thận trọng

Chuyên gia Rimal đề cập đến “giải pháp chính” là vaccine. Đây cũng là lo ngại chung của giới chuyên gia, theo CNN. Diễn biến mở cửa của một số nước Đông Nam Á hiện tại có vẻ giống cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” của các nước phương Tây như Anh và một số địa phương ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nước Đông Nam Á - như ở Philippines, Indonesia, Thái Lan - sẽ khiến việc mở cửa trở lại ở khu vực này chịu nhiều rủi ro hơn ở phương Tây.

Nhiều nước phương Tây đã tiêm vaccine cho phần lớn dân số, như Anh tiêm cho 65% dân, Canada tiêm cho gần 70% dân. Sau thời gian mở cửa, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta, một số nước phương Tây bắt đầu tăng lại số ca nhiễm. Song một thực tế là nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao mà số người nhập viện và tử vong thấp đi rất nhiều.

Đối với Đông Nam Á, tỉ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi lại thấp đáng lo. Tỉ lệ tiêm hai mũi ở Indonesia là 16% dân số, ở Thái Lan khoảng 20%. Trong khi theo tính toán của các chuyên gia, với sự có mặt của biến thể Delta thì các nước phải có tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu không hẳn 70% như cách tính trước mà phải lên khoảng 90% mới có được miễn dịch cộng đồng.

Nhiều chuyên gia cũng hiểu rằng phần đông người dân và cả lãnh đạo khu vực có thể không có nhiều lựa chọn. Nhiều nước chậm trễ trong việc đặt hàng vaccine, do đó đã không có được tâm thế chuẩn bị tốt khi làn sóng dịch ùa tới. Một số nước thu nhập trung bình - như Thái Lan hay Malaysia - lại không đủ điều kiện để được hưởng sự hỗ trợ từ sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX. Với đà tiếp cận vaccine thế này thì khả năng lớn nhiều nước Đông Nam Á sẽ phải vài tháng nữa mới phủ sóng tiêm chủng đủ rộng.

Dù hiểu nội tình, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu Yanzhong Huang thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) lo rằng nếu các nước mở cửa trở lại khi chưa đến một nửa dân số được tiêm vaccine thì có thể sẽ lại có một đợt nhiễm gây quá tải hệ thống y tế, thậm chí buộc chính quyền phải tái áp đặt giãn cách.

Giải pháp cho tình hình này, theo chuyên gia Rimal, nếu các nước quyết định mở cửa lại trong bối cảnh các điều kiện chưa thực sự được đảm bảo thì bắt buộc phải thực hiện cho được điều này: Củng cố tất cả khía cạnh khác trong ứng phó với đại dịch, như các biện pháp y tế công cộng, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Theo ông Rimal, nếu không làm vậy thì “chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tăng ca nhiễm trong vài ngày hay vài tuần sau đó”.

Những điều chuyên gia Rimal cảnh báo cũng tương tự khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tái mở cửa, chẳng hạn chỉ mở cửa khi đã kiểm soát được đà lây; hệ thống y tế đủ năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ca nhiễm - những điều nhiều nước Đông Nam Á vẫn chưa đáp ứng được.•

Điều rất quan trọng là các nước thu nhập cao phải chia sẻ vaccine cho các nước Nam Á và Đông Nam Á càng sớm càng tốt để chúng ta có thể thoát khỏi đại dịch và hướng tới cuộc sống bình thường.

Ông ABHISHEK RIMALđiều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 

 

Singapore vẫn bùng nhiễm, có ca chết dù tiêm vaccine cho 82% dân số

Singapore - một trong những quốc gia có tỉ lệ phủ sóng tiêm chủng thuộc hàng cao nhất không chỉ của Đông Nam Á hay châu Á mà cả thế giới, với 82% dân số đã được tiêm hai mũi, 85% dân số được tiêm một mũi, tính đến ngày 25-9 - cũng đang phải hứng làn sóng dịch bùng phát mạnh trở lại sau thời gian mở cửa.

Theo kênh Channel News Asia, Singapore ghi nhận tới 1.939 ca nhiễm trong ngày 25-9, con số kỷ lục kể từ đầu dịch và nhiều hơn gần 300 ca so với số ca nhiễm ghi nhận ngày 24-9. Đây cũng là ngày thứ sáu liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm hằng ngày trên mức 1.000 ca. Phần lớn số ca nhiễm đều là nhiễm trong cộng đồng.

Không chỉ số ca nhiễm tăng mà số ca tử vong cũng tăng báo động. Những ngày qua, Singapore mỗi ngày mất thêm 1-2 sinh mạng vì COVID-19, chẳng hạn ngày 25-9 có hai người chết, đưa tổng số tử vong kể từ đầu dịch lên mức 78 người, trong đó kỷ lục 23 người chết chỉ trong tháng 9. Phần lớn các ca tử vong ở Singapore đều là người lớn tuổi và người chưa được tiêm vaccine.

Trong hơn 1.200 ca nhiễm đang điều trị ở bệnh viện, có hơn 170 ca nặng cần được trợ thở và 30 ca nguy kịch phải chăm sóc tích cực, phần lớn số này đều là người trên 60 tuổi.

Từ các con số này có thể thấy nên chú trọng việc tiêm vaccine cho người lớn tuổi càng sớm càng tốt để hạn chế tử vong và tránh quá tải hệ thống y tế.

 

Xem thêm: lmth.4118101-auc-om-ihk-gnort-naht-teib-cad-iahp-a-man-gnod-aig-neyuhc/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia: Đông Nam Á phải đặc biệt thận trọng khi mở cửa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools