Theo hãng tin Bloomberg, hơn 200.000 công dân Liên minh Châu Âu (EU) đã rời bỏ Anh trong năm qua do ảnh hưởng từ Brexit, khiến nền kinh tế này chìm vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong 3 thế kỷ.
Số liệu của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy hiện có khoảng 3,5 triệu công dân EU đang sinh sống tại đây, thấp hơn nhiều so với 3,9 triệu người năm 2019. Đây là nguyên nhân chính khiến Anh lâm vào cuộc khủng hoảng thiếu nguyên liệu trầm trọng thời gian qua. Các gian hàng kinh doanh trống rỗng vì không có lái xe đưa hàng, giá cả leo thang chóng mặt còn nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái sau khi mở cửa trở lại từ dịch Covid-19.
Lao động quốc tịch EU bắt đầu rời bỏ Anh sau Brexit. Nguồn ảnh: Bloomberg
Trong khi đó, Bloomberg cho biết những ngành cần dùng nhiều lao động Châu Âu như bán lẻ và du lịch của Anh đang bị tổn thương nặng nề vì yếu tố kép là Brexit và dịch Covid-19. Hiện vẫn chưa xác định rõ đã có bao nhiêu lao động bỏ ngành vì 2 yếu tố này.
Tại Châu Âu, Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19 khi không chịu giãn cách sớm hay có các biện pháp phòng chống. Trong khi đó, môi trường lao động xuống cấp và Brexit khiến người nước ngoài bị thu hút trở về quê làm việc hơn là ở lại Anh. Thêm nữa, việc Anh rời EU khiến cơ chế xin visa của lao động nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Cũng theo báo cáo của ONS, việc Anh thiếu tài xế chở hàng hiện nay không hoàn toàn là do Brexit mà còn có thể vì những lái xe này chuyển nghề. Môi trường làm việc thấp và lương bèo, cộng với tình hình dịch bệnh đã khiến rất nhiều tài xế chuyển qua công việc khác. Khoảng 1/3 tổng số lái xe tại Anh đã bỏ nghề trong khoảng giữa năm 2020 đến tháng 3 năm nay.
Đổ bỏ hàng triệu USD
"Hầm chứa đông của chúng tôi chẳng đủ chỗ chứa nữa nên công ty phải vứt bỏ thành quả sản xuất của nhiều tuần liền. Chúng tôi thậm chí còn chẳng có đủ nhân công để thu hoạch, nghĩa là nông sản sẽ bị để chết úng trên cánh đồng", Phó chủ tịch Iain Brown của hãng thực phẩm ESG tại Anh than vãn.
Theo ông Brown, trong khi nhiều nước phải chịu cảnh thiếu lương thực mùa dịch Covid-19 thì Anh lại lâm vào tình cảnh thừa thực phẩm nhưng chẳng đủ lao động. Họ không có người thu hoạch và cũng chẳng có ai lái xe phân phối chúng cả. Những công việc được cho là thấp kém, nặng nhọc ở Anh này thường được nhường cho lao động nước ngoài.
Hãng ESG của Phó chủ tịch Brown đã phải đổ bỏ 1,4 triệu USD nông sản vì hết chỗ chứa, trong khi những lao động từ Romania hay Bulgaria dùng để thu hoạch sản phẩm thì bị kẹt ở biên giới do dịch Covid-19 và Brexit.
"Một số lao động chẳng thể tới nơi vì các quy định ngặt nghèo của Covid-19, số khác thì chúng tôi phải tốn quá nhiều tiền để đưa họ sang làm việc. Những lao động này cũng bỏ về sớm chứ chẳng ở lại lâu như trước vì các quy định visa khó khăn hơn do Brexit", Phó chủ tịch Brown ngậm ngùi.
Theo tổ chức Logistics UK, nền kinh tế này đang thiếu khoảng 120.000 lái xe chở hàng và việc Anh không còn liên kết được với các tổ chức tài xế ở Châu Âu sau Brexit đang khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Thậm chí Anh cũng chẳng thể dùng lao động địa phương thay thế bởi theo quy định, một lái xe chở hàng cần tới 9 tháng đào tạo và thi lấy bằng, tiêu tốn khoảng 5.000 Bảng, tương đương 6.940 USD. Rõ ràng, chẳng có lao động Anh nào muốn tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc cho công việc nặng như vậy.
"Lực lượng lao động bản địa của Anh đang ngày càng già nua trong khi điều kiện làm việc cho các tài xế thì quá nguy hiểm, nơi đỗ xe thiếu an toàn còn thời gian nghỉ ngơi lại không có. Bởi vậy giới trẻ Anh chẳng hề mặn mà với công việc này", người phát ngôn của Logistics UK cho biết.
Cuộc khủng hoảng tệ nhất
Không riêng gì vận tải, Anh đang trải qua khủng hoảng tiền diện khi thiếu lao động ở nhiều ngành nghề. Ví dụ tờ Independent cho biết ngành chăn nuôi gia cầm tại Anh đang thiếu khoảng gần 7.000 lao động và nhiều khả năng nước này sẽ chẳng có đủ gà tây cho mùa lễ Giáng sinh năm nay.
Tăng trưởng GDP của Anh. Nguồn: ONS
Tờ Independent cho biết hàng loạt nhà hàng, bao gồm cả những chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng như McDonald’s hay Nando’s ở Anh đang lâm vào tình cảnh thiếu nguyên liệu lẫn nhân công. Nếu tình hình hiện nay vẫn tiếp tục thì Anh nhiều khả năng sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực trên cả nước do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ONS, tăng trưởng GDP của Anh trong tháng 7/2021 đã giảm tới 19,5% do thiếu lao động. Hãng tin CNN thì nhận định GDP của Anh hiện vẫn thấp hơn 2,1% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình sẽ chẳng thay đổi nhiều cho tới tận quý II/2022.
Trong một báo cáo của hãng tin Reuters mới đây, lần đầu tiên kể từ năm 1950 đến nay, Anh sẽ mất vị thế là một trong top 10 đối tác thương mại của Đức-nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, với nguyên nhân là do Brexit.
"Thật không may là tình hình hiện nay có tính lan truyền mạnh. Người dân Anh lo sợ một cuộc khủng hoảng diễn ra, đổ xô đi tích trữ đồ gây thiếu hụt trầm trọng hơn, tạo thành một vòng tuần hoàn trong khi chuỗi cung ứng lại chưa hồi phục ngay trở lại được", giáo sư Rob Ford của trường đại học Manchester nói với hãng tin CNN.
*Nguồn: CNN, Reuters, Independent, Bloomberg
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị