Theo hãng tin CNN, thị trường dầu mỏ bắt đầu nóng bỏng trở lại khi hàng loạt nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong phiên 27/9, giá dầu Brent quốc tế đã tăng 1,5% lên 79,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu thô Mỹ WTI cũng tăng 2% trong cùng phiên, lên mức 75,45 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên giá dầu vượt ngưỡng 75 USD/thùng kể từ giữa tháng 7/2021. Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent trên thị trường kỳ hạn đã tăng hơn 50%.
Tập đoàn Goldman Sachs thậm chí có dự đoán vô cùng tích cực về thị trường khi nhận định giá dầu Brent có thể đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay, cao hơn so với mức dự đoán 80 USD/thùng trước đó. Trong khi đó giá dầu thô Mỹ WTI được dự đoán đạt 87 USD/thùng vào cuối năm, cao hơn mức dự đoán 77 USD/thùng trước đó.
Giá dầu Brent trên thị trường kỳ hạn (USD/thùng)
"Trong khi chúng tôi có quan điểm tích cực về giá dầu thì sự mất cân bằng cung cầu có thể còn lớn hơn so với dự đoán, hệ quả là giá loại năng lượng này có thể còn cao hơn nữa", báo cáo của Goldman Sachs ghi rõ.
Theo đó, Goldman nhận định sự hồi phục của các nền kinh tế khiến nhu cầu năng lượng bùng nổ mạnh hơn so với các dự đoán trước đó, qua đó đẩy giá dầu tăng mạnh. Ngoài ra, việc chuỗi cung ứng gián đoạn, chưa thể hồi phục sau khi mở giãn cách cũng thúc đẩy giá dầu đi lên. Hàng loạt tàu chở dầu hiện nay chưa thể hoạt động lại do bị neo đậu quá lâu mà không được bảo quản.
Do đó, giá xăng dầu tại nhiều nước đã bắt đầu tăng. Ví dụ ở Mỹ, giá xăng đã tăng từ 2,19 USD/gallon cùng kỳ năm trước lên 3,19 USD/gallon hiện nay, trong khi mức giá xăng của tháng trước chỉ vào khoảng 3,15 USD/gallon.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Greg Hill của Hess Corp nhận định nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ đạt 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021, cao hơn mức 99,7 triệu thùng/ngày của năm 2019 và 90,9 triệu thùng/ngày của năm 2020.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ đạt bình quân 100,8 triệu thùng/ngày vào năm 2022.
Trước đó khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra, thị trường dầu mỏ đã có một đợt khủng hoảng khi từng xuống mức 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử. Thậm chí trên thị trường kỳ hạn, giá dầu từng xuống âm 40 USD/thùng vào tháng 4/2020, tức thấp hơn 115 USD so với mức giá hiện nay.
Nguồn ảnh: The Mirror
Đại dịch Covid-19 đã khiến các hãng khai thác của Mỹ, Nga... cũng như OPEC cắt giảm sản lượng mạnh và hiện vẫn chưa thể hồi phục sản lượng như ban đầu dù nhu cầu đã trở lại.
Theo Goldman Sachs, hiện trạng thiếu cung dầu mỏ hiện nay sẽ không biến mất trong vài tháng tới khi nhu cầu tăng quá mạnh so với tốc độ hồi phục sản lượng của OPEC cũng như các nước xuất khẩu dầu.
Phía Nhà Trắng đã kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng nhưng vẫn bị phớt lờ, trong khi hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Mỹ mới bắt đầu trở lại và chưa thể tác động đến thị trường ngay lập tức. Tệ hơn nữa, hoạt động khai thác của Mỹ đang bị gián đoạn bởi cơn bão Ida, qua đó khiến sản lượng dầu dự trữ của nước này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013.
*Nguồn: Reuters
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.54105759082901202-gnuht-dsu-09-nel-gnat-es-uad-aig/nv.zibefac