Cụ thể, để giải quyết triệt để tình trạng các địa phương chỉ tập trung truy vết, khoanh vùng dịch mà không quan tâm mục tiêu duy trì sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, đề nghị Thủ tướng giao hai bộ đầu mối về kinh tế là Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng giao chỉ tiêu “duy trì/mở cửa hoạt động của DN” cho từng tỉnh, thành. Chỉ tiêu kinh tế này sẽ buộc các địa phương xử lý hài hòa hơn mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Đồng thời, cộng đồng DN mong muốn bản hướng dẫn cần tuân thủ hơn chỉ đạo của Thủ tướng là “không được phép làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, DN”. Hướng dẫn cần chi tiết, dễ hiểu, có giá trị pháp lý cao, áp dụng được ngay mà không cần nhiều thủ tục hành chính của địa phương.
Đặc biệt, bản tổng hợp ý kiến DN của Ban IV cũng nhận định cho đến nay, khung pháp lý cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tập trung ở các chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng, Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Vậy nên bản hướng dẫn cần mô tả rõ sẽ thay thế văn bản nào, nội dung nào. Các vấn đề mới như quyền đi lại, hoạt động của người đã tiêm đủ liều vaccine, F0 đã điều trị khỏi bệnh cũng cần được làm rõ trong bản hướng dẫn này.
Các hiệp hội cũng đề nghị bổ sung đại diện giới DN tham gia các tổ công tác, ban chỉ đạo phòng chống dịch. Như thế mới thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động được nguồn lực xã hội vào cả nhiệm vụ phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, như tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
Mặt khác, không được đột ngột nâng cấp độ dịch; các hạn chế hoạt động với người dân, DN kèm theo chỉ thực hiện ít nhất 72 giờ sau thông báo.