Kênh Aljazeera ngày 27-9 đưa tin rằng tại cuộc triển lãm hàng không lớn nhất diễn ra trong tuần này quân đội Trung Quốc sẽ trưng bày một số vũ khí và thiết bị tối tân nhất của nước này.
Cuộc triển lãm hàng không trên sẽ khai mạc tại thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc, vào ngày 28-9 sau một năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19.
Máy bay chiến đấu J-20 của không quân Trung Quốc tại một buổi triển lãm năm 2018. Ảnh: AP
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, buổi triển lãm này sẽ có “màn trình diễn bay” của J-20 - được cho là dòng máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của lực lượng không quân Trung Quốc.
Các máy bay tiên tiến khác, gồm máy bay tác chiến điện tử J-16D, máy bay không người lái tầm cao WZ-7 và máy bay không người lái tốc độ cao WZ-8, cũng sẽ lần đầu tiên được trừng bày tĩnh tại khu triển lãm ngoài trời, tờ báo đưa tin.
Aljazeera dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping nhận định: “Trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt các thách thức ngày càng tăng từ phương Tây, họ cần phải cải thiện năng lực quân sự-công nghiệp, hàng không và vũ trụ".
Theo Thời báo Hoàn cầu, máy bay J-16D có hai khoang tác chiến điện tử lớn trên cánh, được sử dụng để phá vỡ và gây nhiễu các thiết bị điện tử của đối phương, gồm cả hệ thống radar và liên lạc.
Máy bay cũng có hệ thống điện tử hàng không mới và động cơ sản xuất trong nước.
Theo Aljazeera, hơn 100 máy bay đã được đăng ký ra mắt dưới hình thức bay biểu diễn hoặc trưng bày tĩnh tại buổi triển lãm, trong một nỗ lực của Bắc Kinh được cho là nhằm phô trương sức mạnh quân sự và tham vọng không gian của mình, bao gồm tên lửa có tổ lái thế hệ tiếp theo và phương tiện phóng hạng nặng.
Tại sự kiện này, một số khí tài mà Bắc Kinh muốn xuất khẩu cũng sẽ được giới thiệu, bao gồm AG600 - máy bay đổ bộ lớn nhất thế giới, được thiết kế để phục vụ mục đích cứu hỏa và cứu hộ trên biển.
Trung Quốc đã xuất khẩu Wing Loong II - dòng máy bay không người lái được trang bị vũ khí tương tự máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ - cho các khách hàng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập và Pakistan, động thái được đánh giá là nhằm cạnh tranh với phương Tây về xuất khẩu quân sự.
Một loạt sản phẩm máy bay không người lái mới có tên Feihong, bao gồm máy bay trực thăng không người lái, tên lửa tuần kích (loitering missiles) và máy bay không người lái tàng hình thế hệ mới, cũng sẽ được "trình làng" tại triển lãm.
Nhà phân tích quốc phòng Kelvin Wong thuộc tạp chí quân sự Janes nhận định: “Bắc Kinh không chỉ có ý định thúc đẩy các máy bay quân sự và công nghệ hàng không vũ trụ sản xuất trong nước mà còn cả khả năng đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu quân sự ở đó”.
Theo Aljazeera, cuộc triển lãm trên diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời được là sẽ nêu bật những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện công nghệ hàng không vũ trụ nội địa.
Mỹ, Anh và Úc gần đây đã công bố hiệp ước an ninh ba bên AUKUS liên quan khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có việc cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.
Các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ Tứ (QUAD)" hôm 25-6 lần đầu tiên đã có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Nhà Trắng.
Nhóm QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc - được coi là một nỗ lực nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia ngày càng trở nên quyết đoán trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.