Trước đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, được biết, Bộ Công Thương đã tổng hợp các kiến nghị và sẽ sớm trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định vấn đề này.
Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, vừa rồi có nhận được kiến nghị của một số địa phương và doanh nghiệp về việc gia hạn giá FIT (giá mua điện ưu đãi, cố định trong 20 năm) cho các nguồn điện gió đang triển khai, nhưng chưa kịp đưa vào vận hành trước ngày 30.10.2021 do chậm tiến độ.
Lý do chậm là phần lớn các dự án bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19, dẫn đến thiếu nhân lực; vận chuyển thiết bị gặp khó khăn, cản trở; hoạt động kiểm tra, kiểm định công trình gián đoạn.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tổng hợp các kiến nghị và sẽ sớm trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định vấn đề này.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2020 mới có khoảng 582 MW điện gió đã đưa vào vận hành và dự kiến đến hết ngày 31.10.2021 sẽ có thêm khoảng 5.000 MW điện gió đưa vào vận hành.
Cuối năm 2020, Bộ Công Thương có xin ý kiến các Bộ ngành về đề xuất kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá cố định điện gió đến hết năm 2023 (với mức giá giảm so với hiện tại).
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, gần đây có nhiều quy định pháp luật mới đã được ban hành và có hiệu lực như Luật Đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28.2.2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Với quy định mới này thì việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió cơ bản sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu (trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định). Vì vậy, việc kéo dài cơ chế giá FIT đã không còn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Khi được hỏi, cơ chế đấu thầu có làm khó doanh nghiệp khi nhiều dự án đang triển khai và không có gì chắc chắn sẽ hoàn thành đúng tiến độ trước tháng 11.2021 để hưởng giá ưu đãi. Trong khi việc đấu thầu, đấu giá thực hiện ngay từ bước chọn dự án khi chưa triển khai.
Như vậy, những dự án đang triển khai rồi, nhưng không kịp tiến độ sẽ được thực hiện theo cơ chế giá nào, thời gian chờ để được áp giá mới khoảng bao lâu?
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này.
Cơ chế giá cố định là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam những năm trước đây. Theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và tăng độ minh bạch, cạnh tranh.