Singapore là quốc gia được lựa chọn sau cuộc bỏ phiếu kín bằng hình thức gửi email diễn ra vào trưa nay (28/9).
Trước đó 1 ngày, ban tổ chức giải cho biết có 5 hồ sơ ứng cử nhưng chỉ có Thái Lan và Singapore đáp ứng được đủ các tiêu chí, gồm: Sự ủng hộ của Chính phủ, sức khỏe và sự an toàn, tỷ lệ rủi ro dẫn đến hủy giải, quyền lợi của các đối tác thương mại, cơ sở vật chất và kinh nghiệm tổ chức.
Cuối cùng, những lá phiếu từ các quốc gia Đông Nam Á đã giúp Singapore thêm một lần trở thành chủ nhà của AFF Cup . Trước đó, nước này từng tổ chức giải đấu vào các năm 1996, 2002, 2007, 2014.
Sân National là sân bóng hiện đại bậc nhất thế giới với hệ thống mái che có thể điều chỉnh.
Dự kiến, AFF Cup 2021 sẽ diễn ra trên 3 sân vận động là National (55.000 chỗ ngồi), Bishan (6.000 chỗ) và Jalan Besar (6.000 chỗ ngồi). Trong số này, sân Jalan Besar là mặt cỏ nhân tạo.
Sân National sẽ dành để tổ chức các trận đấu của đội chủ nhà và các trận đấu từ vòng bán kết trở đi. Như vậy, đội tuyển Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải thích nghi với việc phải thi đấu trên 2 loại cỏ khác nhau trong cùng một giải đấu. Đây là điều chưa từng xảy ra với HLV Park Hang-seo từ khi ông sang Việt Nam làm việc.
Thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo sẽ là thử thách không nhỏ với tuyển Việt Nam.
Còn nhớ tại SEA Games 30, thầy Park cũng phải dành khá nhiều thời gian để giúp các học trò ở đội U22 Việt Nam thích nghi với việc thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo. Tuy nhiên, thử thách tại AFF Cup 2021 sẽ còn lớn hơn khi rất có thể tuyển Việt Nam sẽ phải luân phiên chơi ở cả sân nhân tạo và cỏ tự nhiên.
Dù vậy, trừ chủ nhà Singapore, đây sẽ là khó khăn chung với hầu hết các đội bóng tham dự giải. Việc AFF Cup buộc phải tổ chức tập trung, thay vì đá sân nhà - sân khách từ vòng bảng như năm 2018, đã khiến điều hiếm gặp này xảy ra và các đội tuyển buộc phải tìm cách thích nghi.
Linh Đan
Pháp luật & bạn đọc