Người dân ngồi chờ tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM ngày 27-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng cần phải điều chỉnh một số tiêu chí, nhất là chỉ tiêu tiêm vắc xin và hệ thống y tế cơ sở sao cho phù hợp với thực tế.
"Ăn đong" vắc xin
Nhiều tiêu chí trong hướng dẫn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Bộ Y tế để các địa phương áp dụng mở cửa trở lại thì tiêu chí có 80% người trên 50 tuổi phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin khiến TP.HCM và nhiều địa phương gặp khó. Bởi nguồn vắc xin phân bổ cho TP.HCM và các tỉnh thành thời gian qua luôn trong tình trạng "ăn đong" từng ngày.
Trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia ngày 28-9 cho thấy TP.HCM là địa phương được dự kiến phân bổ số lượng vắc xin lớn nhất (gần 14.000 liều), trong đó đã phân bổ gần 10.000 liều, địa phương cũng đã tổ chức tiêm chủng trên 9.600 liều.
Ngoài tiêm vắc xin diện rộng từ 18 tuổi trở lên, TP.HCM tập trung tiêm cho người trên 65 tuổi hoặc có bệnh lý nền. Hiện đã có trên 1,1 triệu người trên 65 tuổi được tiêm vắc xin. Và theo kế hoạch từ nay đến 30-9, TP.HCM cần khoảng 1,3 triệu liều vắc xin để tiêm cho số người đến hẹn cần tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2.
Theo một cán bộ ngành y tế TP, do tập trung tiêm cho nhóm đối tượng trên 65 tuổi nên khi tiêu chí cần có trên 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ hai mũi vắc xin được Bộ Y tế hướng dẫn, địa phương "trở tay không kịp".
Để đáp ứng tiêu chí này, trong kế hoạch phòng chống dịch từ 1-10 đến 31-12 mới đây, Sở Y tế TP "hạ quyết tâm" để các quận huyện đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đồng thời thống kê người trên 50 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Như vậy để đạt được tiêu chí như Bộ Y tế đề ra, TP cần thêm thời gian và đặc biệt phải có đủ nguồn vắc xin để tiêm chủng.
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT
Quận 1 sớm đạt chuẩn, Gò Vấp phấn đấu
TS.BS Phạm Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho biết hiện đơn vị chỉ mới đạt khoảng 40% người trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đang phấn đấu đạt trên 50% trong các ngày tới.
"Chỉ tiêu này khá nặng so với TP. Nếu muốn phủ được 80%, điều quan trọng nhất là phải có vắc xin đầy đủ, như quận Gò Vấp với tốc độ tiêm từ 15.000 - 20.000 mũi/ngày, nếu rót đủ vắc xin chỉ khoảng một tuần là xong" - bác sĩ Hòa nói.
Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Thị Tân - phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 1 - cho biết thống kê sơ bộ đến ngày 28-9 chỉ còn một số phường chưa đạt, đa số phường đạt tỉ lệ 80% người trên 50 tuổi tiêm vắc xin đủ 2 mũi.
"Nguồn vắc xin được phân bổ thời gian qua đã tiêm cạn, chúng tôi vừa được phân bổ thêm 15.000 liều AstraZeneca và đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm 5.000 - 6.000 liều/ngày để sớm đạt chỉ tiêu đề ra" - bác sĩ Tân nói.
Hiện Đồng Nai mới có 16,58% người trên 50 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 - Ảnh: A LỘC
Mũi 1 chưa phủ, khó nghĩ đến mũi 2
Đến nay, độ phủ vắc xin của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đầy 28%.
Theo kế hoạch phân bổ vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế, đến hết năm 2021 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được nhận hơn 1,56 triệu liều vắc xin. Nhưng đến ngày 28-9, tỉnh mới nhận được hơn 420.000 liều.
Ngày 23-9, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản định hướng đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin là 60% dành cho những người lao động tại các cảng biển, khu công nghiệp, cảng thủy nội địa; 40% dành cho những người lao động do cấp huyện quản lý, kể cả những người làm các ngành nghề liên quan đến thủy sản như ngư dân, thuyền viên.
Việc chậm được "phủ sóng" vắc xin là một trong những nguyên nhân khiến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không mạnh dạn "mở cửa", nới lỏng sớm, dù số ca mắc COVID-19 tại tỉnh thấp hơn rất nhiều so với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần kiến nghị được nhận nhanh số vắc xin đã được phân bổ theo kế hoạch của Bộ Y tế.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh chỉ đạt 30% đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
"Chúng tôi hiểu rằng vắc xin hiện đang dành cho những "vùng đỏ", có số ca nhiễm COVID-19 cao nhưng tốc độ tiêm của một số nơi chậm. Do đó, có thể điều số vắc xin từ những nơi tiêm chậm cho Bà Rịa - Vũng Tàu ứng trước để tiêm, sau đó sẽ trả lại", một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng có tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khá thấp cho người dân nói chung và người trên 50 tuổi nói riêng. Điều này cũng ảnh hưởng tới tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành để địa phương có thể mở cửa.
Theo ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc tỉ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm vắc xin còn thấp là do nguồn vắc xin phân bổ về Đồng Nai còn thiếu hụt, chưa đủ phủ 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.
Khó khăn khác nữa là trước đây địa phương ưu tiên tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên, chưa có chính sách ưu tiên tiêm cho nhóm người từ 50 đến 64 tuổi. Vì vậy, nếu theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế thì địa phương rất khó áp dụng.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, hiện địa phương vẫn đang triển khai tiêm chủng cộng đồng, mục tiêu là phủ 100% mũi 1 cho toàn dân trước, sau đó mới tiêm mũi 2 cho nhóm ưu tiên (50 tuổi trở lên), bởi đây là nhóm đối tượng nguy cơ. Song vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải có vắc xin để tiêm cho người dân nhằm đảm bảo độ phủ và các tiêu chí theo quy định.
Có vắc xin, tiêu chí khó sẽ hóa dễ
Một cán bộ Sở Y tế TP cũng cho biết thực tế hiện nay tuy TP.HCM là địa phương được phân bổ vắc xin lớn nhất nước nhưng việc phân bổ không đều, có lúc "đứt vắc xin", hoặc phải "ăn đong". Điều này khiến nhiều người đến hẹn tiêm mũi 2 không có vắc xin để tiêm và đặc biệt làm giảm tốc độ tiêm chủng.
"Thực tế với tốc độ tiêm chủng trên 200.000 liều/ngày, nếu đủ vắc xin tiêm liên tục thì việc đạt chỉ tiêu nêu trên không khó. Quan trọng vẫn là có đủ vắc xin để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân" - vị này chia sẻ.
Ưu tiên vắc xin cho vùng đỏ, vùng xanh khó đạt chuẩn
Trạm y tế lưu động tại Cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương phục vụ các nhà máy mở cửa trở lại - Ảnh: B.SƠN
Một lãnh đạo trung tâm y tế cấp huyện tại tỉnh Bình Dương cho rằng dự thảo về việc thích ứng với COVID-19 của Bộ Y tế cần có một số tiêu chí riêng cho các tỉnh thành.
Vùng xanh đang thiếu vắc xin
Ví dụ với tiêu chí "80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin", địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... vừa qua có số ca nhiễm cao nên được phân bổ nhiều vắc xin có thể đáp ứng, nhưng nhiều tỉnh thành khác hiện tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin còn rất thấp.
Với những tỉnh đặc thù như Bình Dương có nhiều người nhập cư, công nhân tại khu công nghiệp, đánh giá theo tiêu chí "người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vắc xin" sẽ không toàn diện. Hiện nay Bình Dương đang phấn đấu tất cả người trên 18 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin thì mới có thể hướng tới mục tiêu giảm nguy cơ lây nhiễm và tỉ lệ tử vong. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, mới có khoảng 77.000 người được tiêm 2 mũi vắc xin (tính tới 27-9), nên tỉnh vẫn còn thiếu hơn 2 triệu liều vắc xin nữa mới đáp ứng được nhu cầu.
Nếu sau này không còn y bác sĩ tăng cường?
Về việc chuẩn bị y tế cơ sở, điểm sáng của Bình Dương là hiện nay tất cả 91/91 phường/xã đều đã lập được ít nhất 1 trạm y tế lưu động. Đối với các khu vực "vùng đỏ" tại Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An thì số lượng trạm y tế lưu động tại các phường nhiều hơn. Ngoài ra, các khu công nghiệp, các nhà máy lớn sử dụng nhiều lao động cũng phải thành lập trạm y tế lưu động.
Tuy nhiên, Bình Dương đang nhận được sự hỗ trợ nhân sự khá lớn từ lực lượng quân y và nhân viên y tế từ các tỉnh thành. Nhưng về lâu dài thì lực lượng hỗ trợ sẽ phải rút đi. Vì vậy, tỉnh phải tính tới phương án đào tạo, huấn luyện thêm cho các nhân viên y tế và tình nguyện viên tại chỗ.
Để khắc phục khó khăn về nhân sự, Bình Dương có chủ trương dẹp bỏ các khu cách ly được tận dụng tại các trường học, chuyển F0 về các bệnh viện dã chiến. Qua đó sẽ sắp xếp lại nhân sự từ các cơ sở cách ly bị giải thể để điều về các trạm y tế lưu động.
Tỉ lệ F0 cách ly điều trị tại nhà tại Bình Dương thấp hơn nhiều so với TP.HCM vì đặc thù tỉnh có điều kiện mặt bằng để thành lập và duy trì các khu điều trị dã chiến lớn. Và do các khu nhà trọ công nhân nhỏ hẹp nên hạn chế việc cách ly tại chỗ ở để tránh lây nhiễm chéo.
Đồng Nai lo thiếu trạm y tế lưu động
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho rằng tiêu chí đánh giá ca nhiễm ngoài cộng đồng là khá "nan giải", vì có thể sẽ tính cả ca cộng đồng gồm trong khu vực cách ly mới vào có xét nghiệm dương tính.
Theo ông Vũ, nếu theo hướng dẫn này, cả Đồng Nai - Bình Dương và TP.HCM gần như "chịu trận", không "xuống hạng" được do số ca khu vực này rất cao so với số ca chung của cả nước. Vấn đề này Đồng Nai sẽ có văn bản hỏi Bộ Y tế và có đánh giá phù hợp.
Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết dự thảo của Bộ Y tế nếu không có điều chỉnh, nhiều địa phương rất khó "mở cửa".
Về hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn, ông Lê Quang Trung - phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết hiện địa phương cơ bản đáp ứng được các tiêu chí theo dự thảo mới của Bộ Y tế. Toàn bộ trạm y tế tại 170 phường xã đã trang bị oxy y tế.
Tuy nhiên, về tiêu chí trạm y tế lưu động thì tỉnh mới có 72/170 phường xã (chiếm 42%) đã lập trạm y tế lưu động. Địa phương đang triển khai tùy nhu cầu thực tế nhưng Đồng Nai có nhiều vùng xanh không cần làm trạm y tế lưu động.
Về quy định trong dự thảo của Bộ Y tế, ông Trung cho rằng trạm y tế hiện giờ bận "trăm công nghìn việc" mà còn đòi họ làm trạm y tế lưu động là không khả thi. "Trạm y tế có bao nhiêu người vừa lấy mẫu, làm xét nghiệm, tầm soát, tiêm chủng và giờ làm thêm trạm y tế lưu động, sức đâu họ làm" - ông Trung bày tỏ.
ĐBSCL mong chờ vắc xin
Cần Thơ đã tiêm ngừa vắc xin mũi 1 cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, tuy nhiên tỉ lệ chỉ mới đạt trên 23% dân số - Ảnh: T.LŨY
Trong các địa phương ĐBSCL, TP Cần Thơ và tỉnh An Giang dù có nhiều điều kiện hơn nhưng cũng khẳng định khó đạt tiêu chí về độ bao phủ vắc xin cũng như trạm y tế mà Bộ Y tế đưa ra trong thời gian gần.
Không có vắc xin sao đạt chuẩn
Ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết tính đến hiện tại, ngành y tế đã tiêm 343.658 liều vắc xin phòng COVID-19, tỉ lệ người được tiêm/dân số đạt 23,4%; nếu tính tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19 là khoảng 36%. Tuy nhiên, tỉ lệ người đã tiêm đủ 2 mũi chỉ đạt 4,3%/tổng dân số.
"Với số người được tiêm vắc xin quá thấp như hiện nay, còn lâu lắm TP mới đạt được tiêu chí theo Bộ Y tế quy định và so với yêu cầu cần có để đạt miễn dịch cộng đồng. Để đạt tiêu chí này, Cần Thơ hiện vẫn chỉ trông chờ vào nguồn vắc xin từ trung ương phân bổ. Trong tất cả các cuộc họp với Chính phủ và bộ, lãnh đạo TP đều kiến nghị "xin" thêm vắc xin" - ông Giang nói.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ, nếu không được Bộ Y tế cấp bổ sung vắc xin, tỉ lệ người tiêm không đạt theo tiêu chí đề ra thì TP chỉ còn cách nâng mức độ kịch bản đáp ứng từ mức độ thấp lên kịch bản ở mức độ trung bình. Và theo báo cáo của lãnh đạo TP Cần Thơ, để đạt tỉ lệ miễn dịch cộng đồng (95% dân số) từ nay đến cuối năm 2021 theo kế hoạch, TP cần đến 1,7 triệu liều vắc xin.
Còn tại An Giang, ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế - cho biết An Giang có trên 1,3 triệu người (95% dân số từ 18 tuổi trở lên), nhưng hiện tại chỉ tiêm vắc xin được 363.064 liều. Trong đó, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 đạt 20,30% và mũi 2 đạt 6,17%.
Theo mục tiêu từ nay đến cuối năm, phải đạt tỉ lệ tối thiểu 50% người dân được tiêm 1 liều vắc xin, phấn đấu đến tháng 4-2022 phải đạt trên 95% người dân được tiêm vắc xin. Để đạt được tỉ lệ 50% người dân được tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19, tỉnh đề nghị Bộ Y tế cấp thêm 1 triệu liều vắc xin.
An Giang đã thành lập gần 200 trạm y tế lưu động tại 156 xã, phường, thị trấn để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mùa dịch - Ảnh: BỬU ĐẤU
Lo cho y tế cơ sở
Đối với tiêu chí về y tế cơ sở xã phường, Sở Y tế Cần Thơ đã ban hành phương án về việc thành lập trạm y tế xã, phường lưu động trong phòng chống dịch bệnh dựa trên cơ sở các trạm y tế sẵn có. Hiện nay, TP đã thành lập được 83 trạm y tế lưu động/tổng số 83 xã phường, thị trấn, trong đó một số đã đưa vào hoạt động, chịu sự chỉ đạo của trung tâm y tế quận, huyện.
Theo lãnh đạo ngành y tế TP Cần Thơ, hiện các cơ sở cách ly, cơ sở y tế vẫn còn đủ năng lực tiếp nhận cách ly điều trị tất cả các F1, F0... nên chưa thực hiện chăm sóc, cách ly F1, F0 tại nhà. Vì vậy các trạm y tế lưu động vẫn chỉ làm nhiệm vụ tham gia truy vết, khoanh vùng và theo dõi sức khỏe chung cho người dân trong khu vực phong tỏa...
Riêng lãnh đạo Sở Y tế An Giang cho hay cũng đã ban hành kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh. Trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời...
"Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của An Giang vẫn đáp ứng được nên chưa áp dụng mô hình điều trị F0 tại nhà. Vì vậy, các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe các F1 được cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cho nhân dân khu vực phong tỏa" - ông Trần Quang Hiền, giám đốc Sở Y tế An Giang, nói thêm.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã xây dựng gần 200 trạm y tế lưu động trên toàn tỉnh. Hiện nay người dân rất sợ đến bệnh viện khám bệnh nên số lượng người bệnh đến khám tại các bệnh viện đã giảm hơn 60%. Tỉnh yêu cầu các trạm y tế lưu động, các tổ y tế cộng đồng đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân để kịp thời phát hiện và cảnh báo dịch bệnh cho người dân.
Nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL đang thiếu trầm trọng nguồn vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân trong độ tuổi, đặc biệt người trên 50 tuổi theo tiêu chí của Bộ Y tế.
Hiện về hệ thống y tế, cơ sở điều trị COVID-19, Cần Thơ đáp ứng được tiêu chí, chia 3 tầng điều trị với công suất tối đa 4.470 giường. Hiện đang tiếp nhận điều trị 890 bệnh nhân.
Tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 ở các tầng điều trị: tầng 1, bệnh nhân không triệu chứng và mức độ nhẹ là 67,38%; bệnh nhân mức độ trung bình ở tầng 2 là 28,43% và bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch ở tầng 3 chiếm tỉ lệ 4,27%.
Cần Thơ cũng đã thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng thuộc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ với quy mô 50 giường.
T.LŨY - B.ĐẤU
TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, phối hợp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất cụ thể và báo cáo về kiến nghị của TP.HCM xin áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế.