Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến người dân nước này. Sau khi Trung Quốc tuyên bố siết chặt quản lý tiền điện tử và cấm đào coin, cộng với nguy cơ Evergrande vỡ nợ, nhiều chuyên gia lo ngại điều này dẫn đến suy thoái kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cắt điện luân phiên từ nhà máy đến nhà dân
Các tỉnh phía Bắc Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề cắt điện triền miên. Đèn giao thông ngừng hoạt động gây ùn ứ cục bộ trong giờ cao điểm. Trong khi đó, nước này lần đầu yêu cầu các khu công nghiệp lớn cắt giảm tiêu thụ khi nguồn cung điện bị thắt chặt.
Một quan chức ở tỉnh Cát Lâm kêu gọi phải đảm bảo nhu cầu điện dân dụng và tránh cắt điện bằng mọi cách. Các hạn chế về điện có thể sẽ tiếp tục đến tận tháng 3 năm sau và người dân nên chuẩn bị cho việc cắt nước cũng trở nên bình thường.
Cơ quan quản lý năng lượng tỉnh Quảng Đông kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội cùng tham gia để ngăn chặn tình trạng mất điện trên diện rộng. Việc cắt giảm quy mô lớn đối với các nhà máy đã được thực hiện. Họ cũng yêu cầu nhân viên văn phòng sử dụng cầu thang bộ cho ba tầng đầu tiên, các trung tâm mua sắm để bảng hiệu quảng cáo ít giờ hơn, các hộ dân sử dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt và điều hòa nhiệt độ nên để trên 26 độ C.
Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề năng lượng trên 2 bình diện. Một số tỉnh đã ra lệnh cắt giảm công nghiệp để đáp ứng các mục tiêu về phát thải và cường độ năng lượng. Trong khi đó, những tỉnh khác lại phải chịu thiếu điện do chi phí than và khí đốt tự nhiên tăng cao, khiến máy phát điện chậm lại dù nhu cầu rất lớn.
Khủng hoảng điện tại Trung Quốc có thể đe dọa kinh tế toàn cầu
Vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố tất cả giao dịch liên quan đến tiền số là bất hợp pháp và sẽ bị truy quét. Một trong những lý do dẫn đến quyết định này là khai thác tiền ảo tiêu tốn nguồn điện cực "khủng".
Điện tốn nhiều đến mức vào năm 2019, Trung Quốc chiếm tới 75% mức tiêu thụ năng lượng đào Bitcoin trên toàn thế giới do giá điện rẻ. Con số sau đó đã giảm xuống 46% vào đầu năm 2021 và có thể tiếp tục giảm sau lệnh cấm được ban hành.
Tình trạng thiếu hụt sẽ buộc các công ty phải tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng nước này và đẩy nhanh lạm phát. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn nhất định cho nền kinh tế và xã hội.
Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Ltd. và China International Capital Corp (CICC) hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế do tình trạng thiếu điện. Đồng thời, việc cắt giảm tại các nhà máy đang dấy lên lo ngại sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo của CICC, việc cắt điện có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc từ 0,1 đến 0,15% trong quý III và IV. Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ mức 8,2% xuống còn 7,7% hoặc thậm chí còn thấp hơn.