Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay kể từ năm 2000 khi công bố GDP theo chu kỳ 3 tháng (trước đây tính theo chu kỳ 6 tháng và cả năm).
Tăng trưởng âm 6,17% đã được tiên lượng
Sáng 29.9, tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III/2021 và 9 tháng năm 2021 ngày, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết: GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.
Lý giải nguyên nhân GDP quý III/2021 có mức giảm sâu, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã khiến sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, trong đó, COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tại các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp của cả nước như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ....
"Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế" - bà Hương nói.
Đánh giá về chỉ số tăng trưởng âm trong quý III/2021, trao đổi với PV Lao Động sáng 29.9, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Mức tăng trưởng âm 6,17% là “cú sốc” khá mạnh ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm.
"Các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như mong đợi đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức (ngày 24.9), chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã dự báo tăng trưởng quý III/2021 có thể dưới 0% do COVID-19 đã “đánh thẳng” vào các trung tâm kinh tế và khu công nghiệp lớn trên cả nước, mà thành phố công nghiệp đầu tiên bị làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng là các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội…
“Nhiều khả năng chúng ta sẽ có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ những năm 80” - ông Võ Trí Thành nêu ý kiến.
Thực tế số liệu quý III/2021 đã cho thấy, COVID-19 đã tác động sâu, rộng lên toàn nền kinh tế. Chia sẻ với PV Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - thẳng thắn nêu ý kiến: Với mức tăng trưởng dưới 0 (tăng trưởng âm) sâu như vậy, thì "không thể nói là không tệ".
Thúc đẩy sản xuất, khống chế dịch COVID để kéo nền kinh tế tăng trưởng trở lại
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nếu quý IV/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3-4%.
TS Nguyễn Đức Độ lưu ý, hiện tại, mặc dù các địa phương bắt đầu bình thường hóa các hoạt động kinh tế trở lại, nhưng do dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn nên nền kinh tế chưa thể hoạt động với đầy đủ công suất hiện có. Vì vậy, tăng trưởng GDP quý IV có khả năng sẽ tương đương mức trung bình 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 5,5%. Tăng trưởng cả năm 2021 khoảng trên dưới 2,5%.
“GPD quý IV/2021 khả năng vẫn tăng trưởng dưới 6% do nền tăng trưởng GDP quý IV/2020 năm ngoái không thấp”-TS Nguyễn Đức Độ dự báo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, đà suy giảm GDP cần được bù lại bằng giải pháp quyết liệt hơn ở quý IV/2021. Trong đó, đặc biệt là phải giảm thiểu giãn cách xã hội. Song song với đó, cần đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và tìm các chuỗi mới; tăng cường các giải pháp để thu hút đầu tư công. Đặc biệt, cần có chính sách hấp dẫn đề thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Để đạt được mức tăng trưởng tốt trong quý IV/2021, một mặt cần khống chế được dịch COVID-19, đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, kích thích tiêu dùng.
"Cần tận dụng tối đa mọi lợi thế, triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường đã có, khai thông thêm thị trường mới để đẩy mạnh cung - cầu, phục hồi nhanh chóng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức cao nhất có thể. Đặc biệt, cần loại bỏ các rào cản thiếu phù hợp làm chậm cơ hội của doanh nhân và doanh nghiệp” - PGS TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.005859-4-3-tad-eht-oc-nav-man-ac-pdg-716-ma-gnourt-gnat-iii-yuq-pdg/et-hnik/nv.gnodoal