Chỉ trong nửa đầu năm 2021, hơn 300 triệu vụ tấn công ransomware đã xảy ra, lớn hơn con số của cả năm 2020. Sự bùng nổ của thị trường ransomware đang đặt ra nhiều thách thức với an ninh mạng toàn cầu.
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 1,7 triệu cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền ransomware trên khắp toàn cầu. Dữ liệu cá nhân của chúng ta đang là "miếng mồi ngon" bị đánh cắp và rao bán trên những trang web đen.
"Trong những năm gần đây, các vụ tấn công mạng đã tăng đột biến, thường hơn 100%, thậm chí 200% mỗi năm", chị Isabel Skierka, Trường Đại học Thương mại ESMT Berlin, Đức, chia sẻ.
Huyện Anhalt-Bitterfeld thuộc bang Sachsen-Anhalt của Đức đã trở thành khu vực đầu tiên ở nước này phải ban bố tình trạng thảm họa sau khi các máy chủ của huyện bị tin tặc tấn công khiến toàn bộ hệ thống quản lý hành chính của huyện bị phong tỏa, mọi dịch vụ xã hội cho cư dân địa phương bị đình trệ trong suốt 3 tuần. Thậm chí, người dân không thể mua ô tô, vì không đăng ký được biển số xe. Tin tặc yêu cầu tiền chuộc, nếu không, mọi thông tin người dân sẽ bị chúng bán cho bên thứ ba.
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 1,7 triệu cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền ransomware trên khắp toàn cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock)
"150.000 USD là khoản tiền thiệt hại của các cơ quan hành chính huyện Anhalt-Bitterfeld. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp, việc không thể hoạt động trong 21 ngày, họ còn có thể bị thiệt hại 270.000 USD", phóng viên Rob Watts, kênh truyền hình DW, Đức, cho hay.
Tin tặc nhận thấy điều bất lợi này, nên chúng không ngại ngần tăng giá tống tiền. Trong vài năm gần đây, các vụ tấn công mạng bằng mã độc không chỉ tăng về số lượng, mà còn mở rộng về quy mô.
"Vào thời điểm năm 2016 - 2017, bạn chỉ cần trả vài trăm USD để chuộc lại thông tin của mình, nhưng nếu tin tặc nhắm vào các doanh nghiệp, số tiền này sẽ là hàng chục nghìn USD. Tiền chuộc cứ tăng theo cấp số nhân như vậy. Hiện, chúng tăng lên hàng trăm, thậm chí hàng triệu USD", ông Adam Meyers, chuyên gia an ninh mạng, Công ty công nghệ an ninh mạng CrowdStrike, California, Mỹ, cho biết.
Chuyên gia nhận định, tấn công mạng bằng mã độc đã được chuyển từ một cá nhân đơn lẻ, sang một tổ chức tội phạm, tạo thành một mạng lưới trên khắp thế giới. Những tổ chức tội phạm này không chỉ thực hiện các vụ tấn công nhằm mục đích cá nhân, mà còn cung cấp dịch vụ tấn công mã độc cho chính các công ty đối thủ của nhau. Chính vì vậy, nhiều quốc gia như Mỹ, Nga hay Trung Quốc đang siết chặt các quy định an ninh mạng để thu hẹp sự bành trướng của thị trường đen trị giá tỷ đô này.
VTV.vn - Nhiều website thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam hiện đang bị hacker tấn công DDOS gây gián đoạn truy cập và đòi tiền để đảm bảo cho hoạt động sau này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!