Xếp hàng dài chờ mua iPhone tại một cửa hàng ở Trung Quốc. Tình trạng thiếu điện làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Apple và ngành sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc - Ảnh: AP
Theo báo New York Times, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc là một chuỗi sự kiện có quan hệ nhân quả, trong đó nguồn cung cấp than hạn chế và các tiêu chuẩn khí thải, sử dụng hiệu quả năng lượng ngày càng khắt khe của chính quyền Bắc Kinh là một trong những nguyên nhân thúc đẩy.
Đầu tiên, nhu cầu về nhôm, thép và ximăng tăng mạnh sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại. Đây là ba ngành công nghiệp ngốn nhiều điện nhất hiện nay, theo New York Times.
Kế đến, việc nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 dẫn tới nhu cầu các loại hàng hóa tăng lên. Số hàng hóa này chủ yếu do chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cung cấp.
Nhu cầu đột xuất này cũng trùng vào mùa cao điểm sản xuất ở Trung Quốc để cung cấp hàng hóa cho mùa mua sắm Giáng sinh sắp tới, chủ yếu là các mặt hàng điện tử.
Hoạt động sản xuất đột ngột mạnh trở lại khiến nhu cầu sử dụng điện tại Trung Quốc tăng lên dẫn tới giá than cũng tăng theo. Tuy nhiên, một số nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa để "bảo trì", thực chất là để tránh thua lỗ trước tình trạng giá than tăng nhưng giá điện không tăng.
Khoảng 2/3 sản lượng điện hằng năm của Trung Quốc do các nhà máy nhiệt điện than cung cấp. Do đó, khi các nhà máy thiếu than để hoạt động hoặc đóng cửa, khó tránh khỏi tình trạng thiếu điện dẫn đến cúp điện và mất điện.
Một nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc - Ảnh: AP
Để duy trì tốc độ sản xuất, nhiều nhà máy đã chọn giải pháp thuê máy phát điện chạy diesel, với chi phí thuê và vận hành mỗi tháng đắt gấp đôi so với sử dụng điện quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có những công ty buộc phải ngừng hoạt động vì đã dùng hết hạn ngạch tiêu thụ điện được cấp mỗi năm.
Số khác bị xếp vào danh sách "lợi nhuận thấp nhưng tiêu thụ điện nhiều" nên phải cân nhắc sản xuất cầm chừng để không bị "tuýt còi". Việc áp hạn ngạch là một trong những cách mà Bắc Kinh áp dụng để cân đối việc sử dụng điện.
Thiếu điện sẽ không chỉ ảnh hưởng các nhà máy lắp ráp điện thoại mà còn các công ty chất bán dẫn và rộng hơn là chuỗi cung ứng hàng điện tử.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, theo báo South China Morning Post. Tình trạng mất điện tại hơn 10 tỉnh trên khắp đại lục đã buộc một số nhà cung cấp lớn của Apple phải tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy trong tuần này.
Ít nhất 3 công ty khác tham gia vào chuỗi cung ứng cho Apple cũng phải ngừng sản xuất từ 3 ngày đến 1 tuần vì các hạn chế tiêu thụ điện nghiêm ngặt. Khoảng 30 công ty Đài Loan có nhà máy tại Trung Quốc cũng ngừng hoạt động vì lý do tương tự.
Các chuyên gia Trung Quốc dự đoán chính quyền sẽ bù đắp cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn bằng cách "chuyển điện" ra khỏi các ngành công nghiệp nặng như sản xuất nhôm, theo New York Times.
TTO - Một số nhà cung cấp chủ lực cho Apple và Tesla đã buộc phải tạm ngừng sản xuất tại một số cơ sở của họ ở Trung Quốc, để tuân thủ chính sách tiết kiệm năng lượng mới của Bắc Kinh.