vĐồng tin tức tài chính 365

Quản lý nhựa như một tài nguyên mang lại nguồn doanh thu đáng kể

2021-09-30 03:05

Quản lý nhựa đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, tạo cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia giải quyết ô nhiễm nhựa, theo báo cáo công bố hôm 29/9 của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của WBG.

Báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” cho biết, nhựa được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm bao bì, hàng tiêu dùng, điện tử, ô tô, hàng không, dệt may, và nông nghiệp. Năm 2019, ngành nhựa Việt Nam sản xuất 8,89 triệu tấn sản phẩm, và có đóng góp ước tính 17,5 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia, hay tương đương với 6,7% GDP.

Tuy nhiên, chỉ có 33% của 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến được thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế, báo cáo cho biết.

Vấn đề ô nhiễm nhựa

Trên phạm vi toàn cầu, tới 50% rác thải nhựa đại dương xuất phát từ bao bì sử dụng một lần hoặc sử dụng ngắn hạn. Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn do lượng tiêu thụ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đóng chai nhựa, và bao bì đóng gói cho các đơn hàng trực tuyến gia tăng đột biến.

Chi phí của việc bao bì nhựa gây ảnh hưởng tới môi trường bên ngoài sau sử dụng, cộng với chi phí gắn với phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất nhựa, được ước tính một cách thận trọng ở mức 40 tỷ USD hàng năm, còn cao hơn tổng lợi nhuận của ngành bao bì nhựa.

Mỗi năm, một lượng bao bì nhựa trị giá 80-120 tỷ USD bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do thiếu tái chế và tạo ra giá trị dưới mức tối ưu kể cả khi có tái chế.

Còn ở Việt Nam, nghiên cứu của IFC ước tính rằng, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ mỗi năm, tức là không được tái chế, dẫn đến lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa - tương đương từ 2,2 tỷ đến 2,9 tỷ USD mỗi năm. Chi tiết có trong biểu đồ sau:

Kinh tế - Quản lý nhựa như một tài nguyên mang lại nguồn doanh thu đáng kể

Nguồn: Báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” của IFC

Tất cả những yếu tố này đã góp phần nâng cao nhận thức toàn cầu về quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, những lo ngại về ô nhiễm nhựa đã được người tiêu dùng Việt Nam nhận thức rõ.

“Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì, khiến các thị trường mới nổi trong khu vực trong đó có Việt Nam trở thành điểm nóng về ô nhiễm nhựa”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

“Tuy nhiên, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa”, bà Turk nhận định.

Tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn

Báo cáo cho thấy, việc quản lý nhựa đã qua sử dụng như một nguồn tài nguyên sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, giúp nhân rộng nỗ lực tái chế cùng các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy tuần hoàn nhựa, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

“Một nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu tăng trưởng carbon thấp. Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào, nhận định.

“Nâng cao lợi ích kinh tế của việc tái chế nhựa sẽ giúp huy động đầu tư nhiều hơn của khu vực tư nhân để giải quyết hiểm họa ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các ngành quan trọng như du lịch, vận tải biển và thủy sản, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Kelhofer cho biết.

Kinh tế - Quản lý nhựa như một tài nguyên mang lại nguồn doanh thu đáng kể (Hình 2).

Tái chế là đòn bẩy chính tạo cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân nhằm chuyển hướng khối lượng lớn chất thải nhựa ra khỏi các bãi chôn lấp, và đường bờ biển dài của Việt Nam. Ảnh: IUCN

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngắn và dài hạn để nâng cao nhu cầu trong nước đối với nhựa tái chế và mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân.

Cụ thể, nghiên cứu kiến nghị tăng cường năng lực quản lý rác thải, thiết lập “mục tiêu về hàm lượng tái chế” đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng, và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn “thiết kế để tái chế” đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với bao bì, cùng nhiều kiến nghị khác.

Các giải pháp can thiệp cả trong ngắn hạn và dài hạn có thể củng cố môi trường thuận lợi, cải thiện nhu cầu nhựa tái chế tại địa phương, và giúp mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế trong nước nhờ tạo ra cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân.

Các giải pháp can thiệp có mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng quản lý chất thải rắn và cải thiện hoạt động tại Việt Nam, là những cải thiện cần thiết để quản lý chất thải rắn đô thị hiệu quả hơn trong khi chuyển đổi từ mô hình tuyến tính hiện tại, là thu gom rác thải vào cuối vòng đời và xử lý tại bãi chôn lấp, sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa.

Việc thực hiện các khuyến nghị tập trung vào tuần hoàn nhựa cũng có thể giúp cải thiện năng lực và giảm chi phí vốn cho các phương án xử lý quản lý chất thải rắn không chôn lấp trong tương lai (ví dụ như nhiên liệu có nguồn gốc từ rác thải) bằng cách chỉ xử lý những chất thải không thể thu hồi, tái chế, hoặc tái sử dụng sáng tạo (upcycle) để thu hồi giá trị.

Cơ hội của khu vực tư nhân

Mặc dù các khía cạnh của mô hình tái sử dụng, tái nạp, và phân phối mới của nền kinh tế tuần hoàn nhựa đã được đánh giá, nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào tái chế nhựa, là phân khúc mà khu vực tư nhân có nhiều cơ hội đầu tư quy mô lớn để giải quyết ô nhiễm nhựa.

Kết luận của nghiên cứu này cho thấy việc tái chế, đặc biệt là đối với nhựa cứng có giá trị cao, là đòn bẩy chính để các cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân có tác động và có quy mô lớn giúp chuyển hướng khối lượng lớn chất thải nhựa ra khỏi các bãi thải, bãi chôn lấp, và đường bờ biển dài của Việt Nam.

Các giải pháp tái chế phi tập trung gần với các nguồn phát sinh chất thải có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị, phát triển thị trường nội địa cho vật liệu thứ cấp, và tận dụng khu vực phi chính thức ở Việt Nam.

Các mô hình tái nạp/tái sử dụng và phân phối mới đã được đánh giá ngắn gọn, nhưng các thương hiệu toàn cầu hiện không tập trung vào những mô hình kinh tế tuần hoàn này ở Việt Nam do những thách thức như chi phí cao hơn, thách thức về kho vận, và sự ưa thích của người tiêu dùng địa phương.

Báo cáo này trình bày các phương án chính sách để hỗ trợ việc áp dụng các mô hình tái sử dụng và tái nạp trong tương lai. Ngoài ra, WB đang tiến hành phân tích nhằm cung cấp cơ sở để xác định 10 sản phẩm nhựa ưu tiên hàng đầu là mục tiêu của các chính sách và các khoản đầu tư tại Việt Nam. Phân tích này là sẽ hỗ trợ tư vấn cho chính phủ về các chính sách để giải quyết các sản phẩm nhựa mục tiêu.

Báo cáo ghi nhận, Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để hỗ trợ nỗ lực đạt được mục tiêu tham vọng về quản lý chất thải nhựa quốc gia.

Phần lớn hoạt động tái chế của quốc gia diễn ra tách biệt với hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị thông qua chuyển hướng ngược dòng, do khu vực phi chính thức trực tiếp thực hiện, bao gồm người nhặt rác, người thu gom, cơ sở thu mua, và điểm tập kết phế liệu, dẫn đến một nền kinh tế song song cho việc thu gom và bán phế liệu tái chế.

Kinh tế - Quản lý nhựa như một tài nguyên mang lại nguồn doanh thu đáng kể (Hình 3).

Cần chuyển đổi từ mô hình tuyến tính hiện tại, là thu gom rác thải vào cuối vòng đời và xử lý tại bãi chôn lấp, sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa. Ảnh: Inside Climate News

Ngoài ra, nghiên cứu này xác định hiện trạng của ngành tái chế chất thải nhựa trong nước, bao gồm cung cầu, cơ hội thị trường, động lực và rào cản đối với tăng trưởng, đồng thời khuyến nghị các hành động mà chính phủ cần thực hiện.

Nghiên cứu này khuyến nghị thực hiện tám giải pháp can thiệp theo chủ đề và 29 hành động để Việt Nam có thể giải phóng thêm đáng kể giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa. Mỗi giải pháp can thiệp có khả năng giải phóng giá trị vật liệu từ 0,8-1,8 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, những can thiệp này có thể trùng lặp, do đó tổng giá trị có thể giải phóng sẽ thấp hơn tổng giá trị của các can thiệp đơn lẻ. Về lý thuyết, giá trị tối đa có thể giải phóng có thể lên tới 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm nếu một số thất bại về cơ cấu và thị trường được giải quyết hiệu quả và kịp thời.

“Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” của IFC sử dụng phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị nhựa để xác định cách thức các loại nhựa phổ biến được sản xuất, sử dụng, và quản lý ở Việt Nam và khuyến khích tăng cường phân loại, thu gom, và tái chế rác thải để tận dụng hết giá trị của vật liệu nhựa.

Nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của PROBLUE – một quỹ tín thác đa biên do Ngân hàng Thế giới (WB) quản lý, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và hài hòa các nguồn tài nguyên biển và ven biển để bảo vệ các đại dương.

Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của WBG nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Minh Đức

Xem thêm: lmth.430925a-ek-gnad-uht-hnaod-nougn-ial-gnam-neyugn-iat-tom-uhn-auhn-yl-nauq/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quản lý nhựa như một tài nguyên mang lại nguồn doanh thu đáng kể”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools