Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đều bị ảnh hưởng mạnh vì COVID-19 dẫn đến tăng trưởng âm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đây cũng là mức tăng trưởng âm sâu nhất kể từ khi nước ta tính và công bố GDP quý từ năm 2000.
Khó khăn lớn do dịch bệnh
Bà Nguyễn Thị Hương - tổng cục trưởng TCTK - cho biết trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2021, trong quý 3 năm nay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng 1,04%.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất, tới 9,28%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Hương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm tăng trưởng của khu vực dịch vụ và toàn nền kinh tế.
Báo cáo của TCTK cũng cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. TCTK lưu ý số liệu này có thể chưa phản ánh hết thực tế, bởi giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Phạm Đình Thúy - vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đã bị đứt gãy do dịch bệnh, đặc biệt tại TP.HCM. "Chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt" - ông Thúy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong 9 tháng của năm nay cũng có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng
Cũng theo đánh giá của TCTK, số dự án FDI vào nước ta tính đến ngày 20-9 giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỉ USD, vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu công bố của TCTK cũng cho thấy trong tổng số 50,4 triệu người trong độ tuổi lao động có 2,91% đang thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,78%, ở nông thôn là 2,39%. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng qua ước tính khoảng 3,04%.
Tăng trưởng âm mang tính tạm thời
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tăng trưởng âm không gây bất ngờ vì đã được dự báo trước. Tính chung cả năm, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 3,8 - 4,8%, so với mục tiêu đầu năm 6,8% của Việt Nam.
Đây cũng là mức giảm đáng ngại. Năm ngoái, tăng trưởng của chúng ta đã thấp, năm nay tiếp tục thấp hơn. Tăng trưởng thấp dẫn đến thu ngân sách thấp, ảnh hưởng chính sách đầu tư và gây khó khăn để thực hiện các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ sắp tới.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên chỉ mang tính chất nhất thời nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh tốt. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Thơ, còn nhiều cách để giải quyết, như tiết kiệm chi hành chính, dùng các nguồn vốn cổ phần hóa, tài sản công bằng cách mạnh dạn đấu giá, thoái vốn...
Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong tăng trưởng, thu hút đầu tư FDI, quan trọng là phải làm sao để tháo gỡ những rào cản.
Ngoài ra, chúng ta còn 250.000 tỉ đồng cần giải ngân 3 tháng cuối năm. Nhưng về dài hạn, đầu tư công chỉ nên là vốn mồi thu hút tư nhân và đầu tư công cần thoát ra dần để cho khu vực tư tham gia.
TTO - Khảo sát từ 432 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của TP.HCM trong quý 3-2021 ghi nhận 90,2% cho rằng họ đã gặp rất nhiều khó khăn so với quý trước, và sẽ tiếp tục... khó tiếp trong quý 4-2021 với tỉ lệ tán thành đến 51,1%.
Xem thêm: mth.69223508003901202-3-yuq-gnort-716-ma-gnourt-gnat/nv.ertiout