Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Quảng Nam - Ảnh: ĐỨC TÀI
Trong đó, có ý kiến cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương và đại học nên tuyển sinh theo nhiều cách.
* Thầy Trần Văn Đúng (giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM):
Việc tuyển sinh nên giao cho trường đại học
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất chính là đề thi. Vì đề thi không phân hóa dẫn đến việc các trường ĐH khó tuyển sinh. Như vậy, kỳ thi chỉ mới đáp ứng được mục tiêu thứ nhất là xét tốt nghiệp. Vì vậy, tôi mong năm tới kỳ thi này sẽ được giao về cho các địa phương để giảm bớt áp lực cho học sinh.
Ngoài ra, việc này cũng tránh được tình trạng dịch bệnh phức tạp nhưng học sinh vẫn đi thi vì không còn cách nào khác.
Điều quan tâm nhất của giáo viên và học sinh lớp 12 bây giờ không phải là thi tốt nghiệp THPT, bởi hầu hết đều đậu. Cái chính là phương pháp tuyển sinh vào ĐH, CĐ như thế nào? Tôi mong việc tuyển sinh sẽ được giao cho các trường ĐH tự chủ.
Họ sẽ đề ra phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ngày càng thu hút số thí sinh tham gia và số trường ĐH, CĐ dùng kết quả xét tuyển vào ĐH.
Tôi mong việc xét tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH năm tới thực hiện theo cơ chế mở như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đó là tổ chức nhiều đợt trong năm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
* Khánh Linh (học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):
Mong có nhiều đợt thi
Nếu đổi mới tuyển sinh đại học theo hướng có nhiều đợt tuyển trong năm, tương ứng với đó là các phương thức xét tuyển đa dạng hơn như đại học nước ngoài, thì rất tốt. Vì như vậy học sinh không phải cố sức tập trung cho một đợt thi.
Với việc một năm có vài đợt tuyển sinh, tùy theo quy định của trường đại học mà thí sinh trượt đợt này có cơ hội ôn tập để thi đợt sau. Nếu trường tuyển sinh bằng xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì cũng tiện để những thí sinh chưa kịp lấy chứng chỉ đợt này được đăng ký đợt sau.
Cá nhân tôi muốn các trường đại học hoặc các trung tâm khảo thí có hình thức thi riêng, không lấy điểm xét tuyển tốt nghiệp THPT, vì điểm tốt nghiệp hai năm gần đây có mức điểm khá cao. Điểm cao do đề dễ nhưng cũng có sự hoài nghi về sự coi thi, chấm điểm chặt lỏng khác nhau ở mỗi địa phương.
* Cô Thanh Hằng (giáo viên THPT, Hải Phòng):
Nên bỏ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Trường tôi năm 2021 có trên 70% học sinh lớp 12 trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và bài kiểm tra đánh giá năng lực, tư duy do các cơ sở đào tạo tổ chức. Số còn lại kết hợp xét tuyển điểm thi và những phương thức khác.
Nhiều học sinh đỗ vào các trường tốp cao như Học viện Ngoại giao, ĐH Ngoại thương theo phương thức xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Các em đã đỗ ĐH rồi sẽ không quá căng thẳng với việc thi tốt nghiệp THPT.
Nên nếu kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ, do sở GD-ĐT quy định tùy theo tình hình thực tế thì sẽ đỡ vất vả cho cả học sinh và các trường nếu như tình hình dịch bệnh chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Việc Bộ GD-ĐT ra đề thi chung thì cho dù kỳ thi giao cho địa phương vẫn phải thống nhất lịch thi, phương thức thi trên toàn quốc.
Thực tế năm 2021 cho thấy nhiều địa phương vất vả ứng phó với dịch COVID-19 nhưng vẫn phải tổ chức thi theo 2 đợt thi do Bộ GD-ĐT quy định.
* Chị Hoàng Lan Anh (Nghĩa Lộ, Yên Bái):
Phải sớm công bố
Xét tuyển học bạ, tổ chức kỳ thi riêng hay vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đều được nhưng cần công bố sớm. Học sinh lớp 12 chỉ có nửa năm để hoàn thành chương trình kết hợp ôn thi trong hoàn cảnh có thể phải chuyển đổi liên tục giữa học trực tiếp và trực tuyến.
Nếu không có hướng đi rõ ràng, các trường cũng không thể tận dụng cơ hội học sinh quay lại trường để tập trung ôn luyện.
Con tôi muốn dự tuyển vào tốp trường có khả năng cạnh tranh cao, nhưng theo dõi việc tuyển sinh năm vừa qua, tôi thấy các trường này xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhiều. Trong khi học sinh lớp 12 ở miền núi thì khó có thể có chứng chỉ trước kỳ tuyển sinh năm sau. Điều này không riêng tôi mà nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng.
Tôi mong các trường đa dạng nhiều hình thức xét tuyển nhưng vẫn nên có kỳ thi tương tự như thi tốt nghiệp THPT để có thêm cơ hội cho thí sinh ở những địa bàn không thuận tiện trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ.
* Thầy Phan Trọng Quý (giáo viên môn hóa Trường trung học Thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT
Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì nếu không thi học sinh sẽ mất động lực học tập. Mà nếu tách ra thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH riêng cũng sẽ rất căng thẳng và áp lực.
Thế nên, tốt nhất vẫn nên giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT ổn định như nhiều năm nay. Cái cần thay đổi chính là đề thi. Cần thay đổi cấu trúc đề cho phù hợp với mục tiêu "2 trong 1", trong đó đề phải phân hóa rõ ràng trình độ thí sinh.
Tôi đề nghị đề thi mỗi môn cần có hai phần. Phần 1 dùng để xét tốt nghiệp THPT, phần 2 dùng để xét tuyển vào ĐH. Số lượng câu hỏi của phần 2 ít nhất phải bằng 2/3 số câu hỏi của phần 1, chứ không phải chỉ có vài câu phân hóa như đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Sau khi có điểm thi, việc xét tốt nghiệp THPT sẽ được tính như sau: điểm phần 1 nhân hệ số 2, điểm phần 2 chỉ có hệ số 1. Nhưng khi xét tuyển vào ĐH thì điểm phần 2 sẽ được nhân hệ số 2 và điểm phần 1 chỉ có hệ số 1.
* Nguyễn Diệp Diễm Quỳnh (học sinh lớp 12A4, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM):
Tuyển sinh theo nhiều cách khác nhau
Hiện tại tôi rất lo lắng và mong chờ những thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Tôi đang ở nhà tại tỉnh Kiên Giang và học trực tuyến nên sợ mình sẽ phải trải qua một kỳ thi vất vả như các anh chị khóa trước năm 2021.
Do vậy, tôi mong năm 2022 sẽ được xét tốt nghiệp THPT mà không phải thi, vì thực ra, nếu có thi thì hầu hết học sinh sẽ đậu.
Vấn đề còn lại là thi vào ĐH mà thôi. Tôi mong Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH tuyển sinh bằng nhiều hình thức khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự tuyển.
Riêng với các trường ĐH tốp đầu thì có thể tự tổ chức kỳ thi riêng dành cho những học sinh có năng khiếu và có nguyện vọng tham gia.
TTO - Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới. Nhiều chuyên gia khẳng định phải tách rời hai hoạt động này, trong khi cũng không ít người có ý kiến ngược lại.
Xem thêm: mth.8633003292901202-coh-iad-hnis-neyut-ohc-taux-ed-ueihn/nv.ertiout