Trung Quốc đã bắt đầu cắt điện luân phiên tại Bắc Kinh và Thượng Hải, hai khu vực đô thị tập trung 48 triệu dân bởi nước này đang chật vật với tình trạng thiếu điện cho đến nay đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực sản xuất quan trọng của Trung Quốc, theo tin từ Nikkei.
Cơ quan Quản lý Mạng lưới điện Bắc Kinh công bố sẽ bắt đầu lịch cắt điện tại một số khu vực nhất định cho đến ngày Chủ Nhật. Mỗi ngày, điện sẽ bị cắt vài tiếng ở một số vùng địa lý.
Thông báo cắt điện luân phiên lần này sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 4 quận tại thủ đô Bắc Kinh, trong đó có cả hai quận là nơi sinh sống của nhiều quan chức cấp cao chính phủ Trung Quốc cũng như tập trung nhiều cơ quan chính phủ. Ngoài ra là khu vực có đông người nước ngoài cũng như khu có nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng.
Theo giải thích của cơ quan quản lý, mục đích chính của các đợt cắt điện luân phiên này là để bảo trì thiết bị và nâng cấp mạng lưới, hiện tại hệ thống điện tại thủ đô Bắc Kinh hiện chưa đủ, chưa ổn định và hoạt động có trật tự.
Hiện nhà quản lý chưa công bố số lượng gia đình và doanh nghiệp sẽ phải chịu bị cắt điện. Một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng ước tính sẽ có hơn 10.000 người dân Bắc Kinh phải chịu cắt điện. Bắc Kinh có tổng dân số ước tính 22 triệu người.
Việc cắt điện chủ yếu tập trung vào nhóm các khu vực có đông dân cư sinh sống, tránh khu vực có các nhà máy lớn.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất Nhật tại Trung Quốc chia sẻ: “Cho đến nay tôi chưa nhận được thông báo chi tiết nào về việc nhà máy tại Bắc Kinh sẽ phải dừng hoạt động vì thiếu điện”.
Thành phố Thượng Hải, nơi cư trú của khoảng 26 triệu người, cũng sẽ cắt điện luân phiên cho đến ngày Chủ Nhật tuần này. Tình trạng thiếu điện đã khiến cho nhiều nhà cung cấp cho Apple và Tesla tại tỉnh Giang Tô gần Thượng Hải đã buộc phải ngừng sản xuất.
Tại thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc, các đèn tín hiệu giao thông đã ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông. Còn tại tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc, nguồn cung nước của thành phố này hiện không ổn định, quan chức thành phố đã kêu gọi người dân phải tích trữ nước.
Nguyên nhân chính đằng sau tình trạng thiếu điện này chính là việc hoạt động của các nhà máy điện than ở Trung Quốc đã giảm mạnh về quy mô. Trung Quốc hiện đang thiếu than đá do lệnh cấm nhập khẩu từ Australia. Giá than đá hiện đã tăng đến 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết giảm khí thải các bon trước năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2060.
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đang nổi lên như một cú sốc mới nhất ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà nhiều nhà máy tại đất nước xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất thế giới đang bị buộc phải hạn chế sản xuất nhằm bảo toàn cho nguồn cung năng lượng.
Theo Bloomberg, sự gián đoạn này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất và vận chuyển hàng hóa đang rất phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu các loại hàng hóa, từ quần áo cho đến đồ chơi khi mà mùa mua sắm cuối năm đang đến gần. Chuỗi cung ứng từ trước đó vốn đã khó khăn bởi chi phí hàng hóa nguyên liệu cao, trì hoãn trong thời gian dài bởi các cảng tắc nghẽn và quá thiếu công ten nơ hàng hóa.
Các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng các biện pháp cứng rắn nhằm giảm tiêu thụ điện sẽ khiến cho sản lượng kinh tế tại nhiều khu vực sản xuất rất quan trọng của Trung Quốc như Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông suy giảm. 3 tỉnh này đóng góp khoảng 30% GDP của Trung Quốc. Sản xuất khó khăn, chắc chắn giá cả hàng hóa bán ra sẽ bị đội lên.
Chính quyền nhiều địa phương của Trung Quốc đang yêu cầu giảm tiêu thụ điện bởi họ cố gắng thực hiện được mục tiêu giảm cường độ tiêu thụ điện và khí thải, tuy nhiên, có nhiều nơi phải đưa ra chính sách này bởi họ thực sự thiếu điện.