Tiến trình số hóa trong ngành sản xuất đang dần đào thải những công việc lỗi thời, báo cáo nghiên cứu "Công Xưởng Tương Lai: Hoạch Định Những Kỹ Năng Thúc Đẩy Ngành Sản Xuất" thực hiện bởi ManpowerGroup và tập đoàn nghiên cứu về ngành sản xuất số hóa của Mỹ MxD cho biết.
Với vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi, lĩnh vực Sản xuất đã và đang ghi nhận quá trình số hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc đào thải những công việc không còn phù hợp, tiến trình này đồng thời tạo ra nhu cầu cho các vị trí mới yêu cầu kỹ năng số hóa cao hơn.
Nghiên cứu cho biết gần một nửa các vị trí trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong vòng 3 - 5 năm tới.
Theo các chuyên gia, kể từ khi ra đời, ngành Sản xuất đã trải qua bốn thời kỳ chuyển đổi, tương ứng với Thế hệ 0 – Thế hệ 3. Mỗi thế hệ có những đặc điểm khác nhau đến từ các công cụ sản xuất, công nghệ và công việc chuyên biệt. Các chuyên gia đánh giá lĩnh vực Sản xuất chuyển mình hoàn toàn sang Thế hệ 3 từ năm 2020, với đặc điểm chính là khả năng chuyển đổi cao nhờ những tiến bộ vượt bậc đặc trưng bởi các hệ thống kết nối và máy học.
Bảng phân tích lực lượng lao động mang tính đột phá đã xác định được 165 vị trí mới trong ngành Sản xuất thuộc 7 lĩnh vực chuyên môn, gồm: Sản xuất kỹ thuật số; Mạch điện toán kỹ thuật số; Quản trị Doanh nghiệp kỹ thuật số; Sản phẩm kỹ thuật số; Thiết kế kỹ thuật số; Mạng lưới cung ứng; và Hoạt động đa kênh. Tác động của quá trình chuyển đổi trong từng lĩnh vực không giống nhau, trong đó lĩnh vực Sản xuất kỹ thuật số ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ nhất, chiếm 28% trong số 165 vị trí mới được tạo ra.
"Nhằm phát triển đội ngũ nhân tài theo kịp với tốc độ và quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp cũng như duy trì tính cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất cần có hướng tiếp cận mới về đào tạo kỹ năng mới và nâng cao kỹ năng hiện tại, và cần thực hiện càng sớm càng tốt." Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh. Theo nghiên cứu trên, phương thức hiệu quả nhất chính là các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ dài 6 tháng hoặc ít hơn, trong khi các chương trình đào tạo tại chỗ giúp giữ chân nhân tài với doanh nghiệp.
Công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực Sản xuất đòi hỏi không chỉ người lao động mà cả cấp lãnh đạo cũng cần phải thay đổi. Để duy trì tính cạnh tranh trong cuộc Cách mạng Kỹ năng, các lãnh đạo tương lai cần duy trì nguyên tắc 80/20. Trong đó, 80% là các kỹ năng lãnh đạo nền tảng có vai trò quan trọng từ trước đến nay, và 20% còn lại là các phẩm chất cần có trong thời kỳ mới, bao gồm tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng quản trị rủi ro, học hỏi, thích nghi nhanh, và tối ưu cơ hội.
Chìa khóa để bắt kịp với tốc độ chuyển đổi của công nghệ và cuộc cách mạng kỹ năng trong ngành Sản xuất chính là phát triển một chiến lược nhân sự đa dạng và hiệu quả. Bên cạnh việc chú trọng phát triển nhân tài nội bộ, thuyên chuyển vị trí nhân sự khi cần thiết, doanh nghiệp cần cân nhắc xây dựng, kết nối các cộng đồng nhân tài bên ngoài tổ chức và đặc biệt là tìm kiếm nguồn nhân tài có bộ kỹ năng cần thiết từ các dịch vụ cung ứng nhân sự chuyên nghiệp.
Đặc biệt, các chuyên gia gợi ý doanh nghiệp xác định những kỹ năng quan trọng với tổ chức theo từng giai đoạn, đồng thời sử dụng bảng phân tích 165 vị trí và 7 lĩnh vực mới ở trên để xác định nhu cầu nhân tài trong tương lai.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị