vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp đề xuất gia hạn giá FIT cho điện gió: Bộ Công Thương nói gì?

2021-09-30 16:51

Đối với những dự án điện gió chậm tiến độ, không kịp vận hành thương mại để hưởng giá FIT trước ngày 31.10, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

Nghiên cứu cơ chế đấu thầu, xác định giá với những dự án điện gió chậm tiến độ

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 30.9, trả lời về vấn đề đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 8.2021, hiện có 106 dự án điện gió sẽ vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số 106 dự án này, có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương. Trong 54 dự án đó, hiện có 34 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu. 

"Có nhiều dự án chủ đầu tư đã nỗ lực đưa dự án điện gió kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31.10. Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do khác nhau không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chậm tiến độ các dự án.

Mô phỏng một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: GWEC
Mô phỏng một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: GWEC 

"Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31.10.2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió.

Chúng tôi đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với các dự án điện gió trong thời gian tới, với hướng phù hợp với Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật giá, Luật điện lực. Trong tương lai, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này. 

Cơ chế giá cố định là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam những năm trước đây. Theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và tăng độ minh bạch, cạnh tranh. 

Bao giờ trình Thủ tướng Quy hoạch Điện VIII?

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của Báo Lao Động liên quan đến tiến trình trình dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng - cho biết, vừa qua Bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với báo cáo quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.

Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

"Theo giấy mời của Văn phòng Chính phủ, ngày 3.10 tới đây Hội đồng thẩm định sẽ họp và thẩm định. Nếu Hội đồng bỏ phiếu thông qua chúng tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa góp ý để trình Chính phủ", ông Dũng thông tin. Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết kỳ vọng đầu tháng 10 tới có thể trình Thủ tướng để phê duyệt trong năm nay.

Xem thêm: odl.239859-ig-ion-gnouht-gnoc-ob-oig-neid-ohc-tif-aig-nah-aig-taux-ed-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp đề xuất gia hạn giá FIT cho điện gió: Bộ Công Thương nói gì?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools