Dù trải nghiệm chưa đồng đều, thời gian chờ đợi có thể kéo dài hơn, song người dân TP.HCM vẫn háo hức mở app đặt món ngay khi nhiều hàng quán quen bắt đầu hình thức bán mang về, shipper cũng đông đảo, dễ nhận đơn và giá cả đã giảm hơn nhiều.
Từ nội trợ quay lại lướt app...
Chuông điện thoại báo 17h, chị Phương Trinh (32 tuổi), nhân viên văn phòng tại quận Gò Vấp, gấp nhẹ laptop, mở ứng dụng đi chợ online, nhanh chóng chọn nguyên liệu nấu cơm tối cho gia đình. Trong lúc đợi đơn hàng được giao đến, chị tranh thủ viết nốt chiếc email cuối cùng còn dang dở trong ngày. Đầu công việc cuối cùng hoàn tất cũng là lúc tài xế giao hàng tới, chị Trinh đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn xuống nhà nhận nguyên liệu rồi vào bếp chuẩn bị cơm tối.
Cảnh tượng này đã trở nên quen thuộc với những “bà nội trợ văn phòng” như chị Trinh suốt nhiều tháng qua. Từ những bất cập trong việc mua sắm hàng thiết yếu, giờ đây chị đã có phần quen với nhịp sống hiện tại, một phần lớn nhờ tình hình giá ship đã giảm, đồ chợ cũng nhiều lựa chọn và lượng shipper của các ứng dụng GrabMart, Be Đi Chợ hay ShopeeFood đã trở lại đông đảo.
Mặt khác, cũng theo chị Trinh, khi đặt thực phẩm qua các ứng dụng đi chợ hộ, bên cạnh việc kiểm tra được giá cả, chị cũng có thể chủ động theo dõi đơn và tình trạng tiêm vắc xin của shipper nên cảm thấy an tâm hơn. “Thoạt đầu cũng hơi lo chuyện nhận hàng, tiếp xúc người này người kia. Nhưng ví dụ đặt qua Grab, thấy hầu hết mấy anh tài xế đều đã được tiêm mũi 1 và theo dõi tình trạng này qua app được nên cũng yên tâm hơn”, chị Trinh chia sẻ thêm.
Đến giới trẻ “ăn cả thế giới"
“Cuối cùng thì cũng tạm biệt chuỗi ngày tự nấu rồi. Từ hôm nay mình sẽ đặt cả thế giới ăn cho đỡ thèm”, chị Khánh An (25 tuổi) tại quận 7 mừng rỡ khi sau 2 tuần “lướt app nóng máy” thì mẹt bún đậu mắm tôm quen thuộc của chị đã được giao đến nhà.
Từ ngày hàng quán ở TP.HCM ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, chị cũng làm việc tại nhà nên buộc phải tự nấu ăn mỗi ngày. Nhưng vì sống một mình, khả năng nấu ăn lại không tốt nên lâu nay chị An thường chỉ phụ thuộc đồ đông lạnh, đóng gói là chính. Nay các quán bán đồ ăn mang về, các ứng dụng giao nhận thức ăn kích hoạt cùng hàng quán trở lại dày hơn, chị An đã có thêm sự lựa chọn.
Lường trước được việc cước phí giao hàng có thể tăng trong giai đoạn cao điểm, chị An cũng không quá bất ngờ khi giá trị đơn hàng có đội lên so với trước lúc giãn cách. “Tốn tiền một chút nhưng được ăn ngon thì mình cũng thấy vui. Chưa kể, trong mùa dịch mà các bác shipper vất vả ra đường, thông 500 cái chốt, có trả thêm chút đỉnh thì cũng xứng đáng công sức họ. Có mấy đơn mình còn “típ” thêm cho các bác coi như động viên tinh thần”, chị An nói.
Tuy nhiên, chị An cho biết, vài tuần trở lại đây, phí ship đã giảm mạnh, thời gian giao hàng cũng được rút ngắn đáng kể so với một tuần trước đó. “Theo quan sát của mình sau khi dạo một vòng 3 app gọi đồ ăn GrabFood, ShopeeFood và Baemin thì khoảng 60-70% các quán mình hay đặt đã xuất hiện trở lại. Vừa nãy mình có đặt trà sữa tại một quán khác quận trên GrabFood thì khá bất ngờ vì cước giao hàng đã giảm gần một nửa, có bác tài nhận đơn liền", chị An chia sẻ.
Trong khoảng 2 tuần sau điều chỉnh biện pháp giãn cách, lượng tài xế được phép hoạt động trở lại trên địa bàn TP.HCM đã dần ổn định, người dùng nhờ đó có thể tiếp cận hàng hóa kịp thời và được giao hàng nhanh chóng với giá cả đã hợp lý hơn.