Quan điểm này được ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu tại họp báo chiều 30/9.
Theo ông Thành, từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc và các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã quen dần và có phương án ứng phó, chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các thị trường khác thay thế.
Ngoài ra, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện chưa cao do năng lực sản xuất công nghiệp trong nước đang giảm, dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội... "Thời điểm này chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào từ doanh nghiệp về chuyện thiếu hụt nguyên liệu sản xuất do tác động từ khủng hoảng, thiểu điện của Trung Quốc", ông Thành nói.
Ví dụ với thép, hiện thép xây dựng trong nước đã có thể đáp ứng được, nên không lo ngại nguồn cung và lệ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài. Còn một số nguyên liệu sản xuất của các ngành như dệt may, da giày... hiện chưa ghi nhận thiếu hụt.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với kim ngạch 81,2 tỷ USD tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải may mặc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất... vẫn là những nhóm hàng có tỷ trọng nhập nhiều từ thị trường này.
Vì thế về lâu dài, Cục Công nghiệp cho biết sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp theo dõi tình hình và có giải pháp ứng phó với những tác động nhất định từ khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
CNBC dẫn lời chuyên gia dự đoán doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đầu tư vào Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để thay thế Trung Quốc đang thiếu điện.
"Một số công ty đã đứng trước rào cản về việc đầu tư vào Trung Quốc. Họ đang chọn không tiếp tục đầu tư", Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective - công ty tư vấn làm việc chủ yếu với các công ty Bắc Âu đang hoạt động ở Đông Nam Á cho biết trên CNBC.
Theo Annell, các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch này trị giá lên tới hàng chục triệu USD. Trong khi Trung Quốc vẫn là một "điểm đến rất mạnh" cho sản xuất, ông cho biết các doanh nghiệp cũng đang tìm cách đầu tư thay thế vào Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn thiếu điện trầm trọng. Những áp lực từ mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Hậu quả là ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng ngày một rõ nét của việc thiếu điện. Từ các nhà máy luyện nhôm đến các nhà sản xuất hàng dệt may và chế biến đậu tương, tất cả đang được lệnh hạn chế hoạt động. Trong một số trường hợp, họ phải đóng cửa hoàn toàn.
Hiện giới chức Trung Quốc đã có những động thái giải quyết khủng hoảng năng lượng, chẳng hạn ra lệnh tăng cường sản xuất than và vận chuyển đến các nhà máy nhiệt điện, trấn an rằng đủ nguồn cung khi đông đến. Nước này cũng đang xem xét tăng giá điện công nghiệp để giảm bớt căng thẳng nguồn cung, theo Bloomberg.
Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường sản xuất than trong nước. Hiện Trung Quốc, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu tổng cộng 197,69 triệu tấn than trong 8 tháng đầu năm, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Minh - Tú Anh