Đó là 90 năm cuộc đời của một người đàn ông hào sảng, lạc quan ở Huế. 90 tuổi vẫn làm vườn và viết báo. 90 tuổi vẫn đều đặn mỗi ngày đọc báo Tuổi Trẻ, bình luận, góp ý sôi nổi.
Người già mà như tuổi trẻ đó là ông Ngô Tuệ, sinh năm 1932, hiện đang sống ở Thành nội Huế.
Một người Huế đặc biệt
Ông Tuệ là một người Huế đặc biệt. Ông là người đã phát hiện thủ phạm phá hoại vườn cây sapôchê và là tác giả của "chiếc bẫy hoa" diệt trừ sâu đục thân hại cây ăn quả, được các nhà khoa học đánh giá cao.
Ông là người thường xuyên có mặt trong các cuộc tiếp xúc cử tri suốt mấy chục năm qua để chất vấn các vị đại biểu nhân dân. Ông cũng là người hay được mời đến các cuộc tiếp dân để góp ý giải quyết đơn thư khiếu tố.
Ông là người viết báo nghiệp dư nhưng luôn có mặt trong các cuộc phản biện nóng bỏng của báo chí ở Huế. Ông là một độc giả thân thiết của báo Tuổi Trẻ suốt gần 40 năm nay, kể từ khi tờ báo phát hành ra tới Huế.
Ngày nào cũng Tuổi Trẻ
5h sáng, người đưa báo ghé vào cổng nhà quen thuộc 30 Đặng Trần Côn và đặt vào đó một tờ Tuổi Trẻ. Ông Tuệ đã xong cữ thể dục và chỉ chờ tờ Tuổi Trẻ đến là bắt đầu chương trình đọc báo đầu ngày.
Nhâm nhi ly trà, ông chậm rãi giở từng trang báo còn thơm mùi giấy mực, thỉnh thoảng lại khoái chí đọc to lên một đoạn tin, lâu lâu lại cau mày lắc đầu rồi lấy bút gạch chân, đánh dấu những bài báo cần chú ý.
Đó là niềm vui và cũng là công việc đều đặn mỗi ngày của ông Tuệ suốt 18 năm qua, kể từ năm 2004, khi báo Tuổi Trẻ tổ chức dịch vụ đưa báo tận nhà cho độc giả ở Huế.
6h sáng, bà con trong xóm đi tập thể dục về là ghé vô nhà ông Tuệ đọc báo. Chương trình bình luận đầu ngày lúc nào cũng rộn ràng, giọng ông Tuệ lúc nào cũng sôi nổi, dẫn dắt.
Từ vụ án Việt Á, phiên tòa xử Nguyễn Đức Chung, cho đến chiến sự ở Ukraine, cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rồi trở lại chuyện của Huế. Kết thúc buổi đọc báo, bà con ra về và thế nào cũng được ông Tuệ tặng bản photo bài báo mà ông đã tuyển chọn.
Cứ bài nào hay trên báo Tuổi Trẻ là ông Tuệ mang đi photo để tặng cho bất kỳ ai quan tâm. Bài nào phù hợp với giới trẻ thì ông dán trước cửa phòng trọ cho sinh viên đọc. Ông cắt những bài báo hay của Tuổi Trẻ theo từng chủ đề rồi in thành tập.
Khi tôi đến, ông cười tươi khoe vừa làm xong hai bộ sưu tập từ Tuổi Trẻ theo chủ đề: Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Thiên tai và nhân tai. "Tui bỏ ra sáu tháng mới xong đó. Hiện tui đang chuẩn bị làm tiếp bộ tuyển tập Bút Bi và feuilleton của Tuổi Trẻ".
Ông Tuệ nói rất thích loại bài ký sự dài kỳ vì tính sâu sắc và chuyên mục Chuyện thường ngày vì anh Bút Bi "chích rất đau, gãi đúng chỗ ngứa".
"Nhà báo tự do" Ngô Tuệ
Nhà báo Ngô Tuệ - Ảnh: Tư liệu
Trong bộ sưu tập tổng kết 20 năm viết báo 1990 - 2010, ông tự phong cho mình là "nhà báo tự do", đơn giản là một người viết báo tự nguyện. Ai đã từng làm báo ở Huế những năm đổi mới đầy sôi động của thập niên 1990 đều hiểu rõ sự năng nổ của cây bút Ngô Tuệ.
Trong 20 năm, ông đã viết hàng trăm bài với các bút danh Ngô Tuệ, Hương Bình, Vĩnh Hòa, Trọng Thăng... cho hàng chục tờ báo trong nước.
Không phải phóng viên chuyên nghiệp nhưng ông luôn có mặt trong các cuộc phản biện gay cấn của báo chí chống tiêu cực và bảo vệ di sản Huế: nạn chiếm dụng đất "vàng"; xây khách sạn, xây kè lấn chiếm bờ sông Hương; cầu Trường Tiền bị tu sửa sai lệch cả kiến trúc lẫn tên gọi; xóa sổ di tích Tôn Nhơn Phủ; trùng tu sai lệch quảng trường Ngọ Môn; sai lầm trong tôn tạo Cửu vị thần công; tan nát nhà vườn Huế…
Đặc biệt là cuộc đấu tranh đòi lại khu đất Đàn Âm Hồn - nơi thờ tự chiến sĩ trận vong, đồng bào nạn vong dưới thời Nguyễn - bị chiếm dụng, mua bán và hợp pháp hóa bằng những con dấu đỏ của chính quyền. Ông tham gia trong nhóm dân đệ đơn khiếu nại khắp các cấp chính quyền từ địa phương lên đến trung ương.
Ông cũng viết nhiều bài báo tố cáo việc mua bán đất đai khuất tất và kêu gọi "của di tích phải trả lại cho di tích". Sau 25 năm bền bỉ đấu tranh, năm 2014 khu đất "vàng" đã được trả lại cho di tích Đàn Âm Hồn. Báo Tuổi Trẻ cũng nhiều năm tham gia cuộc đòi di tích này, và người đã "lôi kéo" chúng tôi vào cuộc chính là ông Tuệ.
Trong gần 20 năm báo Tuổi Trẻ đặt văn phòng tại Huế, ông Tuệ vừa là một độc giả thân thiết vừa là một cộng tác viên nhiệt thành, đồng hành và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Đọc bài báo nào hay trên Tuổi Trẻ, ông bấm máy gọi ngay để "khen nóng".
Có chuyện gì gay cấn, ông điện thoại hỏi sao báo Tuổi Trẻ không lên tiếng. Sự nhiệt tâm và khó tính của những bạn đọc như ông đã giúp chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Tuổi Trẻ phải có những bài bình luận thật có tầm
Tôi đề xuất tờ nhật báo Tuổi Trẻ nên giảm bớt những tin thời sự nhỏ, chỉ đăng những tin quan trọng.
Nên có nhiều bài phân tích, bình luận của các chuyên gia và phải có những bài bình luận thật có tầm. Tôi hay nghe đài quốc tế và thấy họ có những bài bình luận về chính trị, kinh tế thế giới rất tầm cỡ. Báo Tuổi Trẻ nên có nhiều bài như thế, không chỉ người trong nước mà người nước ngoài cũng phải tìm đọc.
Những người thường đến đọc báo ở nhà tôi vào đầu buổi sáng, già cũng có, trẻ cũng có. Họ thích đọc tin bài thời sự và thích nhất là bài chống tham nhũng. Vì vậy báo Tuổi Trẻ cần phải có những bài điều tra chống tham nhũng thật mạnh mẽ. Lúc đó tôi sẽ photo đóng tập và tặng cho mọi người để tự hào với báo chí nước mình.
Ông Ngô Tuệ
TTO - Trung tâm Phức hợp Tuổi Trẻ có mặt bằng với tổng diện tích 5.555m2, trong đó diện tích xây dựng chiếm 36,4%, gồm 2 khối công trình phức hợp với 1 hầm và 11 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 20.000m2.
Xem thêm: mth.62354401213802202-euh-o-ert-tar-nav-iout-09-oab-ahn/nv.ertiout