Triển khai gói 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay
Để ngăn chặn tín dụng đen tiếp cận công nhân, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho Tổng LĐLĐ VN và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay tiêu dùng. Dự kiến, chương trình sẽ triển khai sớm tới công nhân lao động trên toàn quốc trong thời gian tới. “Chúng tôi đã có buổi làm việc với NHNN và 2 công ty tài chính làm sao triển khai thuận tiện, thuận lợi nhất trong quá trình vay. Trong năm 2022, mỗi công ty sẽ dành 10.000 tỉ cho công nhân vay với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay trên thị trường, thời hạn 3 tháng đến 2 năm”, ông Phan Văn Anh thông tin.
Trong tháng 8, Tổng LĐLĐ VN đã đi khảo sát tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi có các khu công nghiệp, đông công nhân lao động như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Tới đây, Công đoàn VN tiếp tục đi khảo sát tại một số tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam. Nếu sau này công nhân lao động còn nhu cầu nữa, NHNN sẽ tạo điều kiện cho các công ty tài chính tiêu dùng vay gói lớn hơn.
Về điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho hay, thủ tục rất đơn giản, công nhân lao động đang làm việc, tham gia lao động sản xuất tại các doanh nghiệp đều được vay vốn. Tới đây, 2 công ty tài chính sẽ xây dựng app (phần mềm) và thông tin tới người lao động (NLĐ). Trên cơ sở đó, NLĐ sẽ có app để kê khai thông tin vào app. Ngoài thông tin cá nhân, nếu NLĐ càng cung cấp nhiều thông tin kiểm chứng, như: số sổ bảo hiểm, hóa đơn điện nước, công đoàn xác nhận… thì lãi suất vay càng thấp. Đặc biệt, nếu được chủ doanh nghiệp xác nhận, sau khi vay cam kết doanh nghiệp hỗ trợ cho NLĐ trừ lương hằng tháng thì lãi suất còn thấp hơn.
Vị Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết thêm, sau khi NLĐ cung cấp đầy đủ thông tin, ngân hàng cam kết trong vòng 24 giờ người vay sẽ nhận được tiền vay tiêu dùng từ 5 triệu đến tối đa 60 triệu. NLĐ có thể vay từ 3 tháng đến 2 năm. Mỗi tháng, NLĐ có thể trả góp từ 1,5 - 1,6 triệu đồng. “Tổng LĐLĐ VN đang chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn các KCN tuyên truyền chủ trương về gói hỗ trợ 20.000 tỉ đồng này. Không chỉ giúp NLĐ trang trải sinh hoạt cuộc sống, gói hỗ trợ còn có thể hạn chế và giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong công nhân lao động”, ông Phan Văn Anh nhấn mạnh.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo NHNN cho biết, về tín dụng đen, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25.4.2019, trong đó giao Bộ Công an làm đầu mối trong tham mưu, triển khai các nhiệm vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có trách nhiệm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.
Thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều thông tư, quyết định để triển khai nhiệm vụ trên. Trong đó, mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen). Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 64 chi nhánh và 59 phòng giao dịch thuộc 24 tỉnh, thành phố.
Tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng đen
Chia sẻ với Thanh Niên về thực trạng tín dụng đen bủa vây công nhân, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tín dụng đen nổi lên như là một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở những thành phố lớn, những địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên. Để bảo vệ NLĐ, về phía Công đoàn VN, ông Hiểu cho hay, ngày 12.8, Tổng LĐLĐ VN đã có văn bản về tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tín dụng đen trong công nhân lao động. Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đề nghị các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động.
Về giải pháp cụ thể, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, doanh nghiệp góp phần hạn chế tín dụng đen... NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề này, theo Bộ Công an, tình trạng tín dụng đen hoạt động ngày một phức tạp, cùng với đó là nhu cầu tín dụng trong nhân dân cao nên nhiều người trở thành bị hại. Trong 3 năm vừa qua, toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 2.800 vụ và 5.000 đối tượng, trong đó có nhiều vụ cho vay nặng lãi có bị hại là công nhân. Đại diện Bộ Công an cho rằng, loại tội phạm tín dụng đen hoạt động rất tinh vi, núp bóng các công ty có tổ chức, có chức năng cho vay tài chính để cho vay không thế chấp, huy động vốn kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh và đối tượng thường xuyên có các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền với lãi suất cao bất thường lên tới 100%/tháng, thậm chí đến 1.000%/tháng. Nếu bị hại không trả tiền đúng hạn, các đối tượng dùng mọi thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần để ép trả, chiếm đoạt tài sản, tiền lương của công nhân. Để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh thành kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động cho vay tài chính để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ triển khai rà soát các ngành nghề kinh doanh thường được tội phạm tín dụng đen lợi dụng núp bóng nhằm siết chặt quản lý hơn và chủ động nắm bắt, triệt phá. Ngoài ra, Bộ Công an đang lên kế hoạch để mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp trên toàn quốc để ngăn chặn các vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời đang triển khai phòng ngừa cho xã hội, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, thông tin về các phương thức, thủ đoạn, tác hại của việc vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen để nâng cao cảnh giác cho người dân, công nhân, cũng như toàn xã hội.