Adrienne Nice thức dậy vào lúc sáng sớm ngày 25/7 và đón nhận một thông tin không mấy vui vẻ. Công ty điện lực Xcel Energy đã cắt điện tại căn hộ nhỏ mà cô đang sống cùng con trai ở Minneapolis, ở đúng thời điểm một đợt nắng nóng gay gắt đang xảy ra.
Nice đã gặp nhiều khó khăn về tài chính kể từ khi đại dịch diễn ra, với hơn 3.000 USD hóa đơn dịch vụ tiện ích đã quá hạn thanh toán. Những thông báo mà cô nhận được trong bản kê khai hàng tháng đều là "Thông báo cuối cùng", nhưng Nice vẫn không khỏi thất vọng cho đến khi tủ lạnh và máy điều hòa ngừng hoạt động. Khi nhiệt độ lên đến 35 độ trong những ngày tới, Nice cần tìm cách để được cấp điện trở lại.
Vấn đề không chỉ xảy ra ở riêng nước Mỹ
Nice nằm trong số khoảng 20 triệu người trên khắp nước Mỹ (tương đương 1 trên 6 ngôi nhà) không thể thanh toán hóa đơn tiện ích đúng hạn. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Năng lượng Quốc gia (Neada), đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà họ từng ghi nhận. Nguyên nhân là do giá điện tăng chóng mặt, được thúc đẩy bởi giá khí đốt tự nhiên tăng cao.
Cuộc khủng hoảng hóa đơn điện thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở châu Âu, khi giá khí đốt tăng phi mã sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách EU đã đưa ra gói hỗ trợ hàng tỷ euro cho các gia đình đang gặp khó khăn. Song, ở Mỹ, không có cuộc thảo luận nào tương tự được thực hiện.
Jean Su – luật sư cấp cao tại Center for Biological Diversity, theo dõi tình trạng dịch vụ tiện ích bị cắt ở khắp nước Mỹ, dự đoán: "Có thể một ‘cơn sóng thần’ tắt nguồn điện sẽ xảy ra."
Nice (45 tuổi) là một giúp việc. Công việc cô gần như bị ngừng trệ hoàn toàn khi Covid-19 bùng phát ở Minnesota vào đầu năm 2020. Mọi thứ hiện đang khởi sắc trở lại nhưng lạm phát lại ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của Nice. Chỉ riêng việc đổ xăng cho chiếc sedan cũng tốn khoảng 50 USD/tuần.
Nice hiện không đủ tiền để thanh toán các hóa đơn tiện ích, đặc biệt là khi tiền điện của gia đình cô tăng gấp đôi trong năm qua. Một người bạn từng sống trong căn hộ cùng Nice và 2 con đã chuyển ra ngoài vào giữa năm 2021. Dù nhà Nice dùng ít điện hơn, nhưng mức phí trung bình mỗi tháng vẫn là khoảng 224 USD. Cô nói: "Tôi không hiểu tại sao giá điện lại có thể cao đến vậy."
PG&E Corp. California – công ty dịch vụ điện, nước, chứng kiến số khách hàng chậm thanh toán đã tăng hơn 40% kể từ tháng 2/2020. Còn PSEG ở New Jersey thông báo số khách hàng thanh toán chậm ít nhất 90 ngày đã tăng 30% kể từ tháng 3 năm nay.
Mức giá điện trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải trả đã tăng 15% vào tháng 7 so với 1 năm trước đó – mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ năm 2006. Trong khi đó, giá điện có thể còn tăng cao hơn nữa.
Mỹ đang phải đối mặt với cùng vấn đề gây khó khăn cho các khu vực khác trên thế giới kể từ năm ngoái. Tại Đức, chính phủ yêu cầu các hộ gia đình phải trả thêm 296 USD trong hoá đơn khí đốt hàng năm. ở Anh, khoản hỗ trợ của chính phủ đối với hóa đơn năng lượng đã tăng gấp đôi, lên 482 USD đối với mỗi hộ gia đình bắt đầu từ tháng 10, nhưng giá vẫn tăng quá nhanh nên có thể số tiền này vẫn là chưa đủ.
Tại Nhật Bản và Thái Lan, hóa đơn tiền điện cũng tăng cao khi các quốc gia này gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chi phí nhiên liệu đắt đỏ và đồng nội tệ sụt giá. Pakistan và Bangladesh cũng đang bị tụt hậu trong cuộc cạnh tranh năng lượng toàn cầu, chịu cảnh mất điện và giá điện ngày càng cao.
Lao động thu nhập thấp không đủ khả năng để thanh toán hóa đơn đúng hạn
Trong những ngày đầu của đại dịch, một số tiểu bang và các cơ sở dịch vụ ở Mỹ đã tạm ngừng cung cấp điện, khiến những khách hàng như Nice càng gặp khó khăn. Theo Neada, các hộ gia đình Mỹ nợ khoảng 16 tỷ USD đối với hóa đơn năng lượng trễ hạn, gấp đôi con số trước đại dịch. Dư nợ trung bình cũng tăng 97% kể từ năm 2019 lên 792 USD.
Nice chỉ bị cắt điện trong 3 ngày. Ban Tiện ích Công dân Phi lợi nhuận của Minnesota đã giúp cô thương lượng kế hoạch thanh toán với Xcel. Đây là trường hợp phổ biến, ngừng dịch vụ là biện pháp cuối cùng của các nhà cung cấp, theo Xcel. Wolfe cho biết, khoảng 80% khách hàng sử dụng dịch vụ tiện ích tại Mỹ gặp phải tình trạng tương tự sẽ được khôi phục trong vài ngày tới. Tuy nhiên, 20% có thể bị đuổi khỏi nhà hoặc đứng trước bờ vực vô gia cư.
Hiện tại, lời kêu gọi với các tiểu bang và chính phủ liên bang cung cấp thêm hỗ trợ đã tăng lên. Đầu tháng 8, môt nhóm lưỡng đảng gồm 60 đại diện và thượng nghị sĩ đã yêu cầu khoản trợ cấp bổ sung hơn 4 tỷ USD cho Chương trình Hỗ trợ Năng lượng cho Gia đình Thu nhập thấp (Liheap) vào năm tài chính 2023. California vừa thông qua ngân sách cung cấp 1,4 tỷ USD nhằm giúp người dân thanh toán các hóa đơn tiện ích quá hạn.
Nắng nóng gay gắt đang làm gia tăng nguy cơ tử vong đối với một số người bị ngừng cung cấp điện. 41 bang tại Mỹ đã có các biện pháp ngăn tình trạng cắt tiện ích trong mùa đông, trong khi chỉ có 19 bang có luật hoặc quy định tương tự cho mùa hè oi bức. Trung bình, Mỹ có 188 ca tử vong liên quan đến nắng nóng mỗi năm từ năm 2017 đến 2021, tăng từ mức trung bình 81 trong 5 năm trước đó.
David Konisky – đồng giám đốc của Phòng Thí nghiệm Công lý năng lượng, cho biết: "Việc ngắt điện vì người dùng chậm thanh toán có thể còn trở nên tồi tệ hơn trong những năm và thập kỷ tới. Sóng nhiệt tăng lên và nhu cầu sẽ ngày càng lớn với năng lượng".
Tham khảo Bloomberg