Ông Trầm Minh Thuần - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp (tỉnh Trà Vinh): “Nông dân sẽ làm giàu từ nông nghiệp, bà con được ăn gạo sạch” - Ảnh: M.THUẦN
"Bây giờ nông dân liên kết lại với nhau, làm ruộng theo "công thức" an toàn, chuẩn sạch, ít tiếp xúc chất độc hại, lại có được hạt gạo ngon. Hạt gạo đem qua trời Âu bán thì không chỉ nông dân mình thơm lây, hơn hết là nhà mình và bà con mình cũng được ăn gạo ngon. Vì từ hồi nào giờ mình "cắm" vào làm chứ có biết chuẩn dư lượng, chuẩn sạch là như thế nào đâu" - ông Vũ Huy Hồ, nông dân xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, nói.
Đồng lúa sạch
Tại An Giang, nơi có sản lượng lúa gạo 4 triệu tấn/năm, nhiều năm nay nông dân đã liên kết với nhau để giảm chi phí, nâng cao chất lượng hạt gạo, tiến xa ra thị trường khó tính như châu Âu. Xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, An Giang có kênh Thoại Hà đi qua mang theo nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất nhì của tỉnh.
Hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành với 49 nông hộ, diện tích 1.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn SRP 100 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhiều năm nay mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Chúng tôi theo ông Nguyễn Thành Giang - chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành - ra thăm cánh đồng 300ha mô hình "mặt ruộng không dấu chân" vừa thu hoạch vụ hè thu, đang làm đồng sạ lại vụ mới.
Ông Giang thuộc nằm lòng tất cả các chi phí: có máy bay không người lái giúp tiết kiệm 20%, nhanh gấp 10 lần, sạ thưa giảm đổ ngã, thu hoạch nhanh đồng loạt tăng chất lượng gạo… Tính sơ sơ cả năm nông dân lãi thêm 6 triệu đồng/ha.
"Mô hình trồng giống lúa OM18 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Bà con nông dân tin tưởng vào sự liên kết sản xuất, làm theo quy trình để hạt gạo sạch, chính mình ăn cũng yên tâm hơn" - ông Giang hồ hởi kể.
Tốt nghiệp 2 chuyên ngành luật và quản trị kinh doanh, chàng trai trẻ Trầm Minh Thuần - chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) - luôn trăn trở làm sao để làm giàu từ nông nghiệp và đưa bà con nông dân quê mình cũng giàu lên nhờ nông nghiệp.
Biến bất lợi của vùng nước mặn Trà Vinh thành lợi thế, năm 2018 anh thành lập hợp tác xã trồng lúa với 52 hộ tham gia, vùng nguyên liệu khoảng 200ha.
Một năm sau, anh bắt đầu chuyển 30ha sang trồng lúa sạch giống OM18, chuẩn hữu cơ Việt Nam, chỉ sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, phân vi sinh.
Giảm ô nhiễm môi trường
Dừng xe trên đường nội đồng 4m giữa cánh đồng lúa mô hình công nghệ cao xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Đồng khoe: "Mấy năm nay làm ruộng khỏe, đường nội đồng, chạy vèo ra tới chỗ.
Đi thăm ruộng là vì nhớ mùi đồng, mùi cây cỏ chứ thật ra bây giờ ngồi ở nhà lướt điện thoại cũng biết thời tiết, sâu bệnh, giải pháp... tất tần tật".
Ông Đồng là một trong 578 thành viên thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, diện tích hơn 800ha. Từ năm 2017, Nhà nước đầu tư khu cánh đồng lớn 500ha với hệ thống trạm bơm tổng, đường đi và hệ thống kênh dẫn nước đồng bộ.
Đặc biệt có 170ha mô hình "Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0" được đồng bộ hệ thống đường nội đồng, kênh dẫn nước; hệ thống bơm tưới thông minh, điều khiển từ xa, sản xuất theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; thu gom rơm tự động; tiết kiệm nước... cho lợi nhuận trung bình cao hơn từ 6,3 - 7,7 triệu đồng/ha.
"Mình hiện làm ruộng khỏe vì có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các chuyên gia về cây trồng cũng khuyến cáo mình sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào, liều lượng ra sao để đạt chuẩn. Nhiều khi đi thăm đồng thấy con rầy đậu trên lá lúa cũng phải đợi theo dõi, chứ không phải lấy bình thuốc ra xịt ngay như trước đây.
Thí dụ năng suất có giảm, ngày trước mình làm 900kg/ha nay còn 650 - 700kg/ha, bù lại được giá cao, ổn định mà mình có hạt gạo an toàn cũng xứng đáng" - ông Đồng tâm sự.
Tại huyện Tháp Mười cũng có những cách làm tiên phong của nông dân theo mô hình hợp tác xã dày công tâm huyết mà đến nay gặt hái thành quả. Điển hình là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Mỹ Đông.
Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc - cho biết hợp tác xã thành lập từ năm 2002 chỉ có 25 thành viên với số vốn khiêm tốn 114 triệu đồng. Đến nay tăng lên 97 thành viên, vốn điều lệ tăng mức hơn 1 tỉ đồng. Với diện tích sản xuất 447ha, trong đó 190ha chuyên sản xuất giống lúa OM18, Đài Thơm 8 thế hệ mới, OM 5451 chất lượng cao theo mô hình SPR giảm giá thành khoảng 30%.
Mới đầu việc thuyết phục nông dân đồng tình, ủng hộ đi theo mình làm mô hình liên kết sản xuất rất khó, thêm phần kinh phí hạn hẹp. Nông dân không tin việc liên kết này sẽ giảm chi phí, tăng lợi nhuận vì làm gạo an toàn phải đánh đổi năng suất.
"Năm 2015, tôi cùng anh em tâm huyết gõ cửa từng nhà vận động bà con hiến đất làm đường, dẫn nước tưới tiêu cho cả cánh đồng. Mất đất, giảm diện tích trồng lúa thì ai chịu, nhưng mưa dầm thấm lâu, mình làm dần dần, tới đâu hiệu quả đến đó thì bà con ưng. Hồi đầu sạ thưa còn mới, cũng tranh cãi quyết liệt, sau hai ba vụ thì hiệu quả" - ông Hùng kể lại.
Nông dân trong hợp tác xã áp dụng sổ tay ghi chép theo 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo theo quy trình SPR, trong đó có tiêu chí quản lý sâu bệnh, dinh dưỡng, an toàn lao động…
Mỗi lần đạt từ 90 điểm sẽ được thưởng 350.000 đồng/ha. Mỗi thứ giảm một chút, bớt áp lực cho đất, vụ sau lại giảm thêm chút nữa, môi trường cũng ít nhiễm độc hơn.
Đây cũng là phương pháp hay, giúp nông dân "thuộc lòng" quy trình sản xuất, hiểu và quan tâm đến môi trường, sức khỏe bản thân qua việc thực hành trên đồng ruộng - ông Hùng đã đúc kết như thế đầy tự tin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đặt trọng tâm xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
"Nông dân đang ngày càng quan tâm về chất lượng hạt gạo, thương hiệu và sức khỏe tiêu dùng. Kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm tốt, chất lượng cao, phấn đấu mỗi nhà chỉ một người làm nông nghiệp cũng đủ có thu nhập tốt. Ai có ý tưởng, có mô hình hay, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tay làm ngay" - ông Điền nói.
TTO - Theo Hãng tin Reuters, hai quan chức Bangladesh tiết lộ đang hoàn tất thỏa thuận mua 230.000 tấn gạo từ Việt Nam và 100.000 tấn từ Ấn Độ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá lương thực tại quốc gia Nam Á này.
Xem thêm: mth.22041825110902202-yat-neim-gnod-hnac-nert-ua-uahc-nauhc-oag-tah/nv.ertiout