Chung cư thời bão giá
Có trong tay 1,6 tỷ đồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang tìm hiểu mua căn hộ chung cư đã qua sử dụng tại khu vực Mỹ Đình. Sau khi trao đổi với môi giới bất động sản tại khu vực, anh Trường cũng tá hỏa khi giá chung cư tại Hà Nội trong vài tháng trở lại đây liên tục tăng cao, dù căn hộ đã được đưa vào sử dụng khoảng 5 - 7 năm.
“Trước kia tôi thấy đa phần ai bán lại chung cư cũng đều lỗ. Nhưng sang tới năm nay, môi giới cho biết là chung cư tăng giá rất mạnh, đặc biệt là chung cư đã qua sử dụng. Số tiền này gần như là khó lựa chọn căn hộ ưng ý, mà có khi 1 tuần quay lại chủ nhà đã thay đổi giá khác rồi”, anh Trường nói.
Anh Trường cho biết, tại khu vực Mỹ Đình, một căn chung cư 2 phòng ngủ, diện tích 65m2, chủ nhà đang rao bán với giá 2 tỷ đồng, chưa bao gồm phí sang tên. Nếu thiện chí mua chủ nhà sẽ bớt khoảng 10 triệu đồng. Hay một căn hộ khác cũng ở trong khu vực này, đã đi vào hoạt động khoảng 7 - 8 năm, mức giá cũng khoảng 1,9 tỷ đồng cho căn hộ 70m2, nhưng hạ tầng cũng đã xuống cấp.
“Nói chung, ở khu vực này thấp nhất loanh quanh phải có 2 tỷ đồng mới mua được một căn hộ cũ. Giá từ đầu năm tới nay theo tôi được biết thì đã tăng khoảng 20 - 30%. Tăng cao thế này, gia đình tôi chắc phải cố xoay vay mượn thêm, nếu không được có khi vẫn phải đi thuê nhà một thời gian nữa”, người này nói.
Anh Nguyễn Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang than phiền vì giá chung cư tại Hà Nội liên tục tăng cao. Theo anh Vinh, chung cư mới mở bán hiện tại xa trung tâm thì có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên, gần hơn một chút có khi trên 60 triệu đồng/m2. Do đó, gia đình anh chuyển hướng tìm căn hộ cũ.
Tuy nhiên, anh Vinh cảm thấy sốc khi nhiều dự án chung cư đã đi vào hoạt động từ 3 - 5 năm cũng có giá 45 triệu đồng/m2. “Một căn hộ 2 phòng ngủ ở Cầu Giấy, có diện tích 68m2, cũng có giá lên đến 45 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cách đây vài năm chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng/m2. Giá tăng nhanh nên giờ tôi thấy mua chung cư cũng rất khó”, anh Vinh nói.
Theo khảo sát giá nhà chung cư cũ tại một số quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm,... dù đã bàn giao từ 3 - 5 năm nhưng mức giá đã tăng mạnh khoảng 40 - 50% so với thời điểm mua vào. Đơn cử, một dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum, được mở bán năm 2018 và bàn giao năm 2020, hiện nay có giá bán cũ khoảng 42 - 47 triệu đồng/m2, trong khi đó thời điểm mở bán chỉ khoảng 30 - 33 triệu đồng/m2. Thực tế, cách đây 5 năm, giá chung cư mới tại Hà Nội dao động chỉ khoảng 28 - 35 triệu đồng/m2, thì nay với mức giá này mua chung cư cũ tại quận trung tâm cũng rất khó.
Chung cư bão giá, môi giới rớt mối
Nhiều môi giới bất động sản cũng tỏ ra đau đầu khi giá chung cư liên tục tăng mạnh. Theo đó, người mua cũng không kịp xoay sở tài chính nên đành phải bỏ cuộc, khiến môi giới bất động sản rớt môi.
Anh Trần Tuấn Thanh, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, anh có 3 khách tìm mua chung cư cũ. Tuy nhiên, sau thời gian dẫn khách đi xem nhà, họ đều “quay xe” không mua nữa gì giá tăng nhanh.
“Khách tôi dẫn đi xem nhưng có những người 2 tỷ đồng vẫn khó mua được căn hộ chung cư cũ phù hợp với nhu cầu tại Mỹ Đình. Dẫn đi xem được một số nhà nhưng mức giá mỗi ngày một khác nên họ không mua nữa. Nhiều khi cứ tưởng giá tăng môi giới cũng hưởng lợi vì phí hoa hồng lên cao, nhưng tôi thì ngược lại là mất mối”, anh Thanh nói.
Tương tự anh Thanh, anh Hoàng Thạo, môi giới bất động sản ở Hà Nội cũng chia sẻ, giá chung cư cũ tăng nhanh khiến nhiều người mua nhà cũng “choáng váng”.
“Tôi cũng dẫn khách đi xem nhà, nhiều người khi nghe giá cũng lắc đầu không mua nữa. Họ tiếp tục đi thuê và chờ giá nhà giảm. Theo đó, tôi cũng mất mối giao dịch, còn nhiều người cũng lỡ dở cơ hội mua nhà”, anh Thạo giãi bày.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, căn hộ bình dân ngày càng hạn hẹp do giá trị đất ngày càng tăng cao, do đó, giá trị căn hộ tăng lên. Cùng đó, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh. Những yếu tố trên cộng với kỳ vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ làm cho giá trị của căn hộ tăng lên.
Về giải pháp, ông Đính cho rằng, để tăng cung cho phân khúc nhà ở giá thấp cần phải có sự "hợp lực" từ hai phía. Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính. Việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển.
Xem thêm: mth.53543802130902202-hcahk-tam-iv-uad-uad-gnuc-ioig-iom-aig-oab-uc-gnuhc/nv.ahos