Dù được kỳ vọng là liều “thuốc bổ” cho sức khoẻ của DN phục hồi sau dịch Covid-19, song tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ vẫn chậm.
Đến thời điểm này, doanh số cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại chậm do nhiều hạn chế. Nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai được chỉ ra có cả từ phía ngân hàng thương mại, cùng với đó là khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; khó khăn xuất phát từ phía khách hàng vay.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank đánh giá, trải qua đợt hỗ trợ lãi suất năm 2009, các DN vẫn e ngại hồ sơ thủ tục phải hoàn thiện để phục vụ thanh, kiểm tra sau này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. “Một số vướng mắc trong hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức, khi thanh tra kiểm toán yêu cầu phải thu hồi khiến DN khó cân đối để trả lại số tiền đã hỗ trợ”, ông Cường phán đoán.
Theo đại diện một số ngân hàng thương mại, nguyên nhân khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm còn do nhiều DN vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề, việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.
Một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, nên mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.
“Ngân hàng nào cũng muốn xác định khả năng trả nợ tại thời điểm này, nhưng khả năng trả nợ lại ở thì tương lai, nếu sau 1 - 2 năm khách hàng không trả được nợ sẽ cho rằng DN đã xác định không chính xác, khả năng trả nợ không có, đến thời điểm đó có thể sẽ không trả được nợ”, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV nhận định.
Hiện nay, một số DN cho rằng, DN là cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa, HTX... không có tài sản hoặc tài sản có giá trị thấp nên cũng khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Chưa kể, hiện các ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng nên vay bình thường đã khó, chưa nói đến hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh nhiều DN bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện, cũng có nhiều DN dù đủ điều kiện vẫn từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.
Chương trình hỗ trợ vốn vay lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để thực hiện, triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, và nghị quyết 11 của Chính phủ có kết quả trong thời gian tới, cả hệ thống ngân hàng phải có quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa.
“Về phía các ngân hàng thương mại, tôi đề nghị phát triển khai ngay việc phối hợp với các khách hàng, rà soát các khoản vay đã ký kết hợp đồng, đã giải ngân từ ngày 1/1 đến nay. Nếu thuộc đối tượng, DN đủ điều kiện là được hỗ trợ”, bà Hồng khẳng định./.
Xem thêm: vov.896769tsop-mahc-nav-oas-iv-2-taus-ial-ort-oh-iog/et-hnik/nv.vov