Hình minh họa những biến đổi cơ bản của thiết kế lưới tản nhiệt qua các thế hệ xe Mercedes-Benz - Ảnh: Motor1
Lưới tản nhiệt đóng vai trò như bộ mặt của ô tô, tạo ra bản sắc riêng cho mỗi thương hiệu.
Nhưng khác với khuôn mặt con người, lưới tản nhiệt ô tô “trẻ” hơn theo thời gian, phát triển phù hợp với những gì những chiếc xe thế hệ đương thời cần, thậm chí được phép vượt quá những gì chiếc xe mang lại.
Đó cũng chính là ý nghĩa của lưới tản nhiệt trên xe Mercedes-Benz. Lưới tản nhiệt được thiết kế để làm mát động cơ đốt trong, nhưng cuối cùng, ý nghĩa của bộ phận này còn hơn thế.
1900
Mercedes 35 PS 1900 không chỉ là chiếc ô tô hiện đại đầu tiên, mà còn sở hữu một tấm lưới tản nhiệt đúng nghĩa đầu tiên - Ảnh: Mercedes-Benz
Đây là năm đánh dấu bước ngoặt của ngành công nghiệp ô tô, khi Wilhelm Maybach, nhà thiết kế động cơ đầu tiên người Đức, bắt đầu trang bị lưới tản nhiệt dạng tổ ong cho chiếc Mercedes 35 PS 1900. Thiết kế đã được cấp bằng sáng chế, giải quyết vấn đề làm mát động cơ đốt trong cho đến tận ngày nay.
Nhờ lưới tản nhiệt, dung tích két nước bộ tản nhiệt giảm một nửa, từ 18 lít còn 9 lít nước.
1911
Chiếc Mercedes 37/90 “Labourdette Skiff” 1911 với thiết kế lưới tản nhiệt gọn gàng hơn - Ảnh: Mercedes-Benz
Lưới tản nhiệt với nếp gấp dọc đặc biệt ở giữa xuất hiện. Thiết kế mới cho phép bề mặt làm mát lớn hơn một chút. Tuy nhiên, vì sản xuất phức tạp hơn nên lưới tản nhiệt này chủ yếu dành cho các loại xe có động cơ mạnh mẽ.
1931
Mercedes-Benz 170 đã đánh dấu mốc sự biến chuyển cho thiết kế lưới tản nhiệt, không chỉ đơn thuần về mặt chức năng nữa - Ảnh: Mercedes-Benz
Sự xuất hiện của Mercedes-Benz 170 đã thay đổi mọi thứ. Lần đầu tiên, bộ tản nhiệt được gắn phía sau lưới tản nhiệt, trở thành một phần của mui xe. Điều này đã sinh ra lưới tản nhiệt mạ chrome mang tính biểu tượng, không chỉ đóng vai trò bảo vệ bộ tản nhiệt mà còn trở thành “bộ mặt thương hiệu”, cùng với biểu tượng ngôi sao 3 cánh. Kể từ đó, Mercedes tiếp tục phát triển lưới tản nhiệt mạ chrome trong nhiều thập kỷ sau.
Thập niên 1950
Mercedes-Benz 300 SL Gullwing 1957 với thiết kế lưới tản nhiệt những dòng xe khác của Mercedes-Benz cùng thời - Ảnh: Mercedes-Benz
Vào những năm 1950, bên cạnh việc duy trì lưới tản nhiệt dạng đứng như những thế hệ trước, Mercedes giới thiệu thiết kế lưới tản nhiệt độc lập mới với chiếc 300 SL “Gullwing” và 190 SL roadster nhỏ hơn, với tên gọi “gương mặt xe thể thao”. Các thanh ngang đã trở thành một dấu hiệu nổi bật cho dòng xe thể thao của Mercedes-Benz sau này.
Thập niên 1960-1970
Mercedes-Benz 220 1972 (trên) và Mercedes-Benz 230 1979 cho thấy sự thay đổi của thiết kế lưới tản nhiệt theo hướng “tăng rộng giảm cao” - Ảnh: Mercedes-Benz
Lưới tản nhiệt của Mercedes-Benz tăng chiều rộng và thu hẹp chiều cao. Việc tập trung vào chiều rộng đã truyền tải nhiều sức mạnh và sự hiện diện rõ nét hơn.
Ngoài ra, thiết kế mới cũng liên quan đến việc hạ thấp nắp ca pô để cải thiện tính khí động học. Sự phát triển này đã trở thành dấu hiệu nhận biết những chiếc xe Mercedes-Benz trên đường.
2007
Mercedes-Benz C-Class 2007 đánh dấu khách hàng bắt đầu được lựa chọn thiết kế lưới tản nhiệt - Ảnh: Mercedes-Benz
Mercedes-Benz C-Class đã tạo ra quyết định đột phá khi để khách hàng được lựa chọn kiểu dáng lưới tản nhiệt. Từ năm 2007, Mercedes-Benz bắt đầu cung cấp các lựa chọn lưới tản nhiệt cho khách hàng tùy thuộc vào gói trang trí: có thể theo phong cách cổ điển (Classic và Elegance) hoặc thể thao (Avantgarde).
Cách thức này cũng được mở rộng sang E-Class, và vẫn được áp dụng đến ngày nay cho cả hai dòng xe.
Thập niên 2010
Mercedes-Benz G-Class (ảnh 1), Mercedes-AMG và Mercedes-Maybach (ảnh cuối) vừa có nét riêng của từng dòng xe vừa giữ được kiểu thiết kế truyền thống để dễ dàng nhận ra đây là một chiếc xe Mercedes-Benz - Ảnh: Mercedes-Benz
Thiết kế của lưới tản nhiệt trên các mẫu xe Mercedes-Benz ngày càng cá tính và mang dáng dấp một tác phẩm điêu khắc hơn. Mỗi dòng xe đều có thiết kế lưới tản nhiệt khác biệt trong khi vẫn duy trì đặc điểm nhận dạng chung của thương hiệu.
Chẳng hạn, lưới tản nhiệt của G-Class vuông vắn hơn với các nan dọc cùng ngôi sao lớn ở giữa, hai bên là đèn pha tròn cổ điển, phản ánh ngôn ngữ thiết kế của dòng xe off-road.
Mercedes-AMG có lưới tản nhiệt bo tròn với đường viền loe xuống cùng các nan dọc, gợi nhớ đến chiếc xe đua 300 SL đã giành chiến thắng trong cuộc đua đường Panamericana huyền thoại ở Mexico vào năm 1952.
Hay Mercedes-Maybach danh giá với các nan dọc chặt chẽ hơn, cùng chữ MAYBACH được tích hợp vào khung chrome của lưới tản nhiệt.
Thời đại xe điện
Thiết kế lưới tản nhiệt trên dòng xe điện EQ của hãng xe Đức - Ảnh: Motor1
Với thời đại xe điện xuất hiện khắp ngõ ngách, tấm lưới tản nhiệt của Mercedes-Benz vẫn còn, nhưng không còn là tấm bảo vệ như trước kia.
Không cần bộ tản nhiệt, thương hiệu xe Đức chuyển sang lưới tản nhiệt đen tuyền Black Panel cho dòng xe điện EQ, đóng vai trò là một bề mặt hoàn hảo cho các cảm biến ẩn nhưng không thể thiếu.
“Sự chuyển đổi công nghệ sâu rộng sang tính năng di chuyển bằng điện và lái tự động mang đến cho chúng tôi cơ hội hoàn toàn mới trong thiết kế ngoại thất. Lưới tản nhiệt cổ điển mất đi chức năng ban đầu và biến thành một trung tâm công nghệ và đồ tạo tác thiết kế tiên phong”, Robert Lesnick, trưởng bộ phận thiết kế ngoại thất của Mercedes-Benz AG, cho biết.
Lưới tản nhiệt sẽ không còn chiếm ưu thế trong ngôn ngữ thiết kế ôtô, ít nhất là ở Hyundai. Theo giám đốc thiết kế nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc, SangYup Lee, đèn pha giờ đây sẽ là sợi dây thẩm mỹ gắn kết các phương tiện trong một đội hình.