Trước thời điểm đó, quốc gia Hồi giáo là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC, xếp sau Saudi Arabia và Iraq.
Trong buổi phỏng vấn với đài CNBC, ông Tamas Varga, nhà phân tích của công ty tư vấn PVM Oil Associates ở London, nhận định rằng: “OPEC có thể dễ dàng sản xuất 30,5 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu Iran quay lại. Theo kịch bản này, giá dầu Brent giảm xuống còn 65 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023”. Chuyên gia này nhận định đây là mức giảm mạnh so với giá dầu hiện tại, vốn được giao dịch ở mức khoảng 96,5 USD/thùng vào chiều 5-9, theo trang Trading Economics.
Theo CNBC, các nhà đàm phán Iran hồi giữa tháng 8 đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận. Một cố vấn chính quyền Tehran nói rằng họ “đang tiến đến gần thỏa thuận hơn so với trước đây” và “các vấn đề còn lại không quá khó giải quyết”.
Tuy nhiên, có vẻ như hai bên vẫn còn một vài điểm vướng mắc khá khó giải quyết. Vấn đề chính gây tranh cãi giữa Iran và phương Tây là cuộc điều tra đang diễn ra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - về những dấu vết không giải thích được của uranium, được tìm thấy tại các cơ sở hạt nhân của Iran vào đầu những năm 2000. Tehran muốn cuộc điều tra kết thúc trước khi họ ký kết bất kỳ thỏa thuận nào, song IAEA, chính phủ Mỹ và các nước châu Âu cho đến nay vẫn từ chối yêu cầu đó.
Trong bối cảnh nguồn cung dầu khan hiếm và khủng hoảng năng lượng châu Âu đang ngày một trầm trọng, các nhà phân tích nói rằng dù dầu Iran không thể hoàn toàn thay thế nguồn cung dầu Nga, song vẫn giúp giảm bớt áp lực nguồn cung trong giai đoạn hiện nay.
Về vấn đề này, ông Reid l’Anson, nhà phân tích cấp cao tại công ty dữ liệu Kpler, bày tỏ hoài nghi về khả năng các bên đạt thỏa thuận. “Câu hỏi tiếp theo là chúng ta có thực sự sẽ thấy một thỏa thuận hay không. Tôi nghĩ là không vì trên thực tế, xét về mặt chính trị, cả Mỹ và Iran đều không sẵn lòng” - ông nói.