vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng lớn, vì sao lãi suất vẫn tăng?

2022-09-06 10:24

Thời vụ chỉ là một yếu tố. Thời vụ từng được nhìn đến ở diễn biến lãi suất VND liên ngân hàng tăng lên trước thềm kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9 vừa qua. Thông thường, dịp lễ tết và kỳ nghỉ khá dài, tiền mặt ra khỏi hệ thống phục vụ tiêu dùng tăng cao của người dân, lãi suất tăng. Nhưng, qua lễ, lãi suất vẫn tiếp tục tăng, dĩ nhiên có thể mang tính ngắn hạn.

Cụ thể, ngày 5/9, lãi suất VND tiếp tục tăng trên thị trường liên ngân hàng; lãi suất qua đêm đã lên khoảng 5,17%/năm - vùng cao nhất kể từ khi COVID-19 xẩy ra cho đến nay.

Lãi suất VND các kỳ hạn dài hơn trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tiến gần quanh mức 5,5%/năm.

Những mức lãi suất trên cao hơn nhiều so với lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn trên thị trường dân cư, cũng như cao hơn trần lãi suất huy động đang áp dụng. Diễn biến này phản ánh nhu cầu cân đối vốn ngắn hạn của hệ thống căng lên.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang can thiệp, bằng lượng bơm ròng khá lớn trước và sau dịp nghỉ lễ.

Tuần trước, chỉ có 3 ngày giao dịch, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tới gần 53.000 tỷ đồng. Trong đó một phần từ tín phiếu hút bớt tiền về trước đó đáo hạn, nhưng cũng đáng kể là lượng tiền các tổ chức tín dụng phải “vay nóng” Nhà điều hành qua kênh cầm cố với số dư đã lên tới gần 22.400 tỷ đồng tính đến kết tuần qua.

Và ngay phiên đầu tiên thị trường mở cửa trở lại sau lễ, trước diễn biến lãi suất VND tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 15.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO) ngày 5/9 và có tới 13 thành viên phải mượn vốn ở đây.

Như vậy, lượng vốn mà các tổ chức tín dụng phải “vay nóng” Ngân hàng Nhà nước đang dày lên trông thấy. Không dễ chịu như thời tiền rẻ vừa qua, họ phải chịu lãi suất cao hơn trước rất nhiều, với 4,5%/năm thay vì chỉ 2,5%/năm trước đây.

Song song với bơm ròng qua cho vay cầm cố trên OMO, Ngân hàng Nhà nước “dĩ nhiên” cũng đã tạm ngừng phát hành tín phiếu hút bớt tiền về từ tuần trước. Tổng lượng bơm ròng lớn như trên song lãi suất VND vẫn tăng lên trên thị trường liên ngân hàng. Chi phí vốn cân đối ngắn hạn của hệ thống đã tăng lên rất cao so với đầu năm; ngược lại đây là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các ngân hàng có tỷ trọng nguồn vốn rẻ…

Câu hỏi đặt ra, vì sao lượng vốn lớn bơm ròng ra thị trường như vậy mà lãi suất VND liên ngân hàng vẫn tăng cao? Điều này phản ánh thanh khoản hệ thống đang khan dần và căng lên. Nguồn hụt đi không được công bố cụ thể, nằm ở lượng ngoại tệ bán ra bình ổn tỷ giá từ tháng 5/2022 đến nay (đồng nghĩa với hút bớt VND về).

Trong khi đó, thị trường như đang chạy chỗ để đón “đường chuyền vượt tuyến” lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách ngày 21-22/9 tới. Chỉ số USD Index đã liên tục tăng cao và có lúc chạm mốc 110 điểm. Tỷ giá USD/VND theo đó vẫn tiềm ẩn áp lực đòi hỏi bình ổn, và một giải pháp tức thời có thể vẫn là bán ra ngoại tệ mà điều này đi cùng với hút nguồn VND về, thanh khoản ngắn hạn căng lên và lãi suất phản ứng như trên.

Tất nhiên những mối liên hệ và phản ứng còn tùy thuộc vào ý chí và liều lượng chủ động của Ngân hàng Nhà nước. Ví như việc tăng lượng bơm ròng qua OMO những phiên gần đây cũng là một hướng can thiệp, dù lãi suất vẫn tăng…

Trước đó, ngay trước thềm cuộc họp chính sách của Fed, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gây bất ngờ khi thể hiện ý chí điều hành của mình qua việc “chạy chỗ” và “buông” lãi suất OMO (qua mở cơ chế đấu thầu lãi suất) từ ngày 26/7 (Fed họp ngày 27 và 28/7).

Xem thêm: mth.80925338060902202-gnat-nav-taus-ial-oas-iv-nol-gnor-mob-coun-ahn-gnah-nagn/nv.ahos

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngân hàng Nhà nước bơm ròng lớn, vì sao lãi suất vẫn tăng?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools