Diễn viên Daisy Edgar-Jones (vai Kya) trong phim Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Kya lớn lên giữa "cỏ vươn lên trong nước và nước trôi vào trong bầu trời". Đồng lầy trở thành mẹ của cô, thay cho người mẹ ruột đã bỏ đi.
Suốt từ tuổi thơ đến khi trưởng thành, Kya bị kỳ thị bởi những người dân "văn minh" sống ở thị trấn trong đất liền. Cô là chủ đề của những lời đồn đại thất thiệt trong thị trấn cho đến ngày cô lộ diện trước họ, với tư cách kẻ tình nghi trong một vụ giết người.
Một dáng vẻ "pop"
"Em đã không biết ngôn từ có thể chứa đựng nhiều điều đến vậy. Em đã không biết một câu văn có thể đầy ắp như thế" - nhân vật chính Kya trong Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát nói với Tate, bạn trai của cô và cũng là người dạy cô biết đọc, biết viết.
Kya không đi học vì trong ngày duy nhất đến trường, cô đã bị bạn bè cùng lớp phỉ báng, cô lập đến ám ảnh. Thị trấn là một cộng đồng người luôn cho mình là văn minh với đầy những tiện nghi và máy móc hiện đại, nhưng lại vô cùng hung hãn khi kỳ thị một cá thể bé nhỏ dám sống khác biệt với mình. Rời trường học, Kya trở về đồng lầy, nơi thiên nhiên và các loài chim sẵn sàng ôm cô vào lòng, nuôi dưỡng cô cả về thể chất lẫn tinh thần.
Câu nói trên đây của Kya vô tình lại rất phù hợp khi bộ phim được chuyển thể từ sách lên màn ảnh, từ ngôn từ sang ngôn ngữ điện ảnh và làm rơi rớt khá nhiều ý nghĩa của tiểu thuyết gốc. Khi ngôn từ có thể chứa đựng quá nhiều như lời Kya nói, hình ảnh khó có thể theo kịp.
Mặc dù, nhà làm phim đã tạo nên một trong những bộ phim có hình ảnh đẹp nhất năm 2022. Vùng đồng lầy ở Bắc Carolina trong phim quả thực mênh mông, thiên nhiên vùng Đông Nam nước Mỹ đầy hoang dã và quyến rũ qua những thước phim. Và "cô gái đồng lầy" Kya, qua diễn xuất của diễn viên trẻ nổi bật Daisy Edgar-Jones, toát nên vẻ vừa ngây thơ trước xã hội loài người nhưng lại vừa thông minh, tinh tế trong những quan sát về thiên nhiên và cuộc sống hoang dã.
Thế nhưng, Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát phiên bản điện ảnh vẫn mang lại một dáng vẻ quá "pop" (đại chúng) so với sách gốc, như lời nhận xét của nhà phê bình Lê Hồng Lâm.
Cụ thể, nhà làm phim chọn những chất liệu "pop" nhất từ sách: tuyến truyện trinh thám về vụ án mạng làm "cột sống", gây tò mò cho khán giả; màu sắc lãng mạn từ hai câu chuyện tình yêu giữa những con người trẻ trung và nồng nhiệt, khiến người xem bị hớp hồn bởi vẻ đẹp ngoại hình của họ và tính diễm tình của những cảnh quay; phần hình ảnh có phần hơi rực rỡ và thơ mộng như trong những thước phim quảng cáo du lịch, kể cả ngôi nhà biệt lập của Kya nơi đồng lầy hoang dã trông cũng rất "nghệ" và rất "Instagram", dù Kya bị cả thị trấn kỳ thị vì sống tại đó.
Yêu thương và bảo vệ thiên nhiên hoang dã
Lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 1950, 1960 theo mốc thời gian trong tiểu thuyết gốc, phim cũng có ý nghĩa xã hội đối với thời nay. Ngoài đời thực, khi thế giới dần được bê tông hóa cùng với tiến trình hiện đại hóa, những không gian dành cho thiên nhiên hoang dã dần bị thu hẹp, các loài chim và muông thú cũng không còn đất để phát triển tự nhiên, dần dần vắng bóng.
Còn trong phim, khán giả được chứng kiến một cô gái yêu thiên nhiên, sống hòa làm một với thiên nhiên, dành cả cuộc đời để quan sát, vẽ và ghi chép về các loài sinh vật, đấu tranh hết mình để bảo tồn thiên nhiên đồng lầy không bị xâm phạm bởi những dự án kinh tế mới như xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Chắc hẳn không phải là trùng hợp, khi phim kể hai câu chuyện song song: Kya bảo vệ đồng lầy trước sự xâm phạm của những chủ doanh nghiệp muốn lấp bỏ nó, và Kya bảo vệ chính mình trước sự xâm phạm của người đàn ông nhân danh tình yêu tìm đến cô.
Kya có biệt danh "cô gái đồng lầy", đồng lầy và cô như hai mà một, nên đây thực chất là cùng một cuộc tranh đấu. Khi thử thách cuộc đời giáng xuống, cô gái vốn ngây thơ, nhu mì, dễ bị bắt nạt cũng có thể trở nên rất mạnh mẽ.
Phim có hình tượng rất hay về loài đom đóm, loài sinh vật bé nhỏ nhưng có ánh sáng thu hút mạnh mẽ và tập tính lạ kỳ, tương đồng một phần với nhân vật. Và sách, thì kết lại với cảnh một nhân vật "dõi theo hàng trăm con đom đóm vẫy gọi sâu trong bóng tối hun hút của đồng lầy. Thật xa ngoài kia, là nơi loài tôm hát".
Dễ xem, giàu cảm hứng
Chính vì chiều chuộng khán giả nên Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát được khán giả chấm đến 96% trên Rotten Tomatoes. Trong khi đó, giới phê bình khá thất vọng vì khoảng cách giữa phim và sách gốc, chỉ chấm 34%.
Nói vậy không có nghĩa Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát là một bộ phim tệ. Trái lại, phim dễ xem và giàu cảm hứng.
Phim gây tò mò và diễn xuất của diễn viên đủ để họ yêu thương nhân vật, mong ngóng cho nhân vật một hạnh phúc sau cùng. Điều đó là không hề tệ với một phim khá thiên về thương mại, không nặng tính nghệ thuật.
TTO - Nope là bộ phim mới nhất của đạo diễn/biên kịch Jordan Peele, người từng đoạt giải Oscar hạng mục "Kịch bản gốc xuất sắc nhất" với bộ phim đầu tay Get Out.
Xem thêm: mth.1733703250902202-ut-nogn-uhn-pa-yad-gnohk-hna-neid-ihk-tah-mot-iaol-ion-aik-iaogn-ax/nv.ertiout