Ngày 6-9, Bộ Công Thương đã thông tin về việc xử phạt đối với một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, ngày 15-2-2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện quyết định nêu trên, Đoàn thanh tra đã tiến hành làm việc với các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31-8-2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Ngoài hình thức xử phạt tiền đối với 18 đơn vị gồm các thương nhân đầu mối, công ty con, cơ quan thanh tra còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối gồm:
Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).
Hiện Thanh tra Bộ Công Thương đang tổng hợp xây dựng dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9 - 2022.
Petimex cho biết, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu sẽ khiến công ty gặp khó khăn. Ảnh: Petimex |
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép kinh doanh đã có văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương phản ánh thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh. Đáng chú ý là Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).
Theo Petimex, năm 2021, công ty này có 30 cửa hàng thuộc sở hữu, 5 đại lý, 4 tổng đại lý, 357 thương nhân nhận quyền bán lẻ. Ngoài ra, hai công ty con trực thuộc là Công ty CP Nhiên liệu Đồng Tháp và Công ty CP Nhiên liệu Tây Đô có 103 cửa hàng thuộc sở hữu.
“Do công ty chỉ có 4 tổng đại lý và 5 đại lý bán lẻ, 357 thương nhân nhượng quyền bán lẻ nên Đoàn thanh tra Bộ Công Thương đã kết luận Công ty có hành vi vi phạm hành chính Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” - văn bản của Petimex cho biết.
Theo Petimex, hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Do vậy công ty đã có văn bản giải trình cho đoàn thanh tra Bộ Công Thương, đề nghị Đoàn thanh tra ghi nhận Petimex có 30 cửa hàng sở hữu, 4 tổng đại lý, 5 đại lý và 357 thương nhân nhượng quyền bán lẻ đều nằm trong hệ thống phân phối của công ty và đáp ứng được theo quy định đề nghị.
Petimex khẳng định, hiện theo Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 5 điều 7 của Nghị định 83/2014 thì đến thời điểm hiện tại công ty đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Hiện cơ sở vật chất về kinh doanh xăng dầu của Petimex có vốn chủ sở hữu 837 tỉ đồng, tổng giá trị tài sản là 7.709 tỉ. Hệ thống phân phối công ty có 131 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của doanh nghiệp; 4 tổng đại lý, tổng số cửa hàng trực thuộc tổng đại lý là 21, đại lý thuộc tổng đại lý là 87; 6 đại lý bán lẻ; 235 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; 30 thương nhân phân phối.
Ngoài ra, Petimex cũng có vốn góp 49% với một công ty, công ty này có trên 600 cửa hàng và đại lý. Thị trường phân phối của công ty từ Bình Thuận, Đồng Nai đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Có 5 kho chứa với tổng sức chứa trên 160.000 m3.
Petimex cho hay, thời gian qua, thị trường kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung, nhưng công ty thực hiện rất tốt trong việc cung ứng cho thị trường. Đặc biệt trong tháng 8, lượng cung ứng của công ty cho thị trường tăng đột biến đến 60%.
Petimex cho biết, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu sẽ khiến công ty thêm khó khăn.
Lý do hệ thống phân phối của công ty sẽ bị mất nguồn cung trên 75.000m3/tháng, nhất là địa bàn tại Đồng Tháp, nơi công ty cung ứng chiếm 60% thị phần, sẽ làm bất ổn thị trường. Đơn vị này cũng sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng với các công ty lọc dầu trong nước và nhà nhập khẩu nước ngoài.
“Từ hệ luỵ khi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cũng như năng lực thực sự hiện tại của công ty, Petimex tha thiết kính mong Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với công ty nhằm giúp công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn của nhà nước” - Petimex kiến nghị.
Tương tự, Saigon Petro cũng đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương đề nghị xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Các lý do được Saigon Petro đưa ra giống như Petimex.
Nguồn tin của PLO cho biết, phần lớn các doanh nghiệp bị tước giấy phép đều vi phạm về gian lận kê khai đăng ký hệ thống phân phối hoặc không đáp ứng điều kiện về chuỗi hệ thống phân phối,...
Đơn cử tại Saigon Petro, Bộ Công Thương nêu rõ, Saigon Petro đã có các hành vi vi phạm hành chính như gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
Các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm nhiều lần đối với các hành vi vi phạm hành chính “Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Các tình tiết giảm nhẹ với ba hành vi này: Công ty đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Công ty đã ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm và tự nguyện khắc phục hậu quả.
Với ba hành vi trên, Saigon Petro bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 250 triệu đồng.
Saigon Petro cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với hành vi thứ hai (không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định) là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 1 tháng.