Nhiều ngân hàng vẫn đang hồi hộp chờ được cấp thêm room tín dụng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trước giờ công bố hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng mới, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 5 tiêu chí xét room cho các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, phải dựa trên kết quả xếp hạng năm 2021, trong đó Ngân hàng Nhà nước ưu tiên cho các ngân hàng tham gia xử lý ba ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm room tín dụng để khuyến khích đối với các ngân hàng trong danh sách Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với các ngân hàng có tỉ lệ cho vay trên huy động vốn cao tại thị trường 1 thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm trừ hạn mức.
Như vậy có thể đoán ra một số cái tên đầu tiên trong danh sách tăng room như Vietcombank, Ngân hàng Quân đội (MB), HDBank…
Với Vietcombank và MB, tại đại hội cổ đông vừa qua, hai ngân hàng này đã cho biết sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Còn HDBank thì đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỉ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Hiện hầu hết ngân hàng đều trong tình trạng hết hạn mức tín dụng từ 3, 4 tháng qua và chỉ có thể giải ngân cho vay trên cơ sở thu nợ cũ, do vậy các ngân hàng đều rất mong ngóng được nới room. Về phía khách hàng cũng "xếp hàng" mòn mỏi, vì nhiều trường hợp hồ sơ đã duyệt nhưng chưa có room để giải ngân.
Trước đó, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị định 31 được tổ chức ngày 26-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay "chậm nhất là đầu tuần sau (tức trước kỳ nghỉ lễ 2-9) sẽ thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh".
Tuy nhiên đến 6-9 nhiều ngân hàng cho biết chưa nhận được room tín dụng mới.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định áp lực nới room tín dụng đang mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước có thể phải linh hoạt hơn trong việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
VDSC dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6-2022 đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước.
Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do Ngân hàng Nhà nước chưa cấp room tín dụng.
Tính đến 15-8, tín dụng tăng hơn 9,6%; trong gần một tháng rưỡi, tín dụng chỉ tăng thêm gần 0,3%, là mức khá thấp so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng trong nửa đầu năm.
Hậu COVID-19, áp lực về vốn đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp, trong đó các nhà sản xuất vừa và nhỏ (SMEs), dẫn đến doanh số giảm, nguồn vốn cạn kiệt, thời gian trì hoãn thanh toán kéo dài làm “đứt gãy” dòng tiền kinh doanh.
Xem thêm: mth.41545236160902202-gnud-nit-moor-gnat-coud-es-oan-gnah-nagn/nv.ertiout