Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã chia sẻ như vậy tại tọa đàm hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do bộ này và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức ngày 6-9.
Theo ông Nam, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, năng lực sản xuất lúa toàn vùng chiếm 50% sản lượng lúa của cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% lượng trái cây, đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu...
Với vai trò quan trọng đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất nông nghiệp vùng đã đạt nhiều bước tiến.
Trước cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quan điểm chỉ đạo cùng địa phương và các đối tác phát triển tập trung đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao.
Xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
"Đồng bằng sông Cửu Long có các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Quan điểm của Chính phủ xem đây là tài nguyên để khai thác. Do đó, quan điểm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai là không ngăn nước mặn, mà kiểm soát nước mặn để phục vụ nước mặn là tài nguyên", ông Nam nói và cho biết để đảm bảo sử dụng nước ngọt, nước mặn, nước lợ thì phải đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi của từng vùng.
Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất cho nông dân phù hợp với các mô hình ở các vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn.
Chính phủ cũng đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với liên kết doanh nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu, đồng thời giảm thải khí carbon.
"Với những dự án này và các dự án khác, Việt Nam rất mong được các doanh nghiệp và Đại sứ quán Hà Lan quan tâm, đồng hành cùng ngành nông nghiệp", ông Nam nói.
Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Bar cho hay nước này sẽ tiếp tục hợp tác về chuyển đổi nông nghiệp bền vững để cùng nhau xây dựng một hệ thống lương thực tốt hơn.
Hà Lan cam kết hợp tác với Việt Nam về các giải pháp dựa vào thiên nhiên và cảnh quan thông qua tái trồng rừng ngập mặn kết hợp với sản xuất cua hoặc ngao, cũng như nuôi trồng thủy sản đa tầng,... và các mục tiêu không phát thải ròng.
Theo đại sứ Kees Van Bar, với kiến thức và kinh nghiệm của mình trên khắp thế giới về thiết kế và phát triển các trung tâm kinh doanh nông sản, Hà Lan mong muốn được hợp tác với Việt Nam.
Vấn đề quản lý nước là cốt lõi trong sự hợp tác, Hà Lan sẽ tư vấn kỹ thuật sản xuất các vùng nước ngọt và vùng ven biển, nhằm cải thiện chất lượng nước, đặc biệt là liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.
"Để đạt được những mục tiêu này, khu vực tư nhân cần phải đi đầu trong quá trình chuyển đổi bền vững này, vì họ là động lực cho sự thay đổi. Đồng thời phải hợp tác với các đối tác quốc tế, chẳng hạn như Hà Lan" - ông Kees Van Bar nói.
TTO - Làm được mục tiêu trên, người dân tăng cơ hội sản xuất và sử dụng gạo sạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam thêm uy tín và tăng giá trị chứ không chỉ chạy theo số lượng như thời gian qua. Vấn đề là vốn và mô hình cụ thể để đảm bảo có gạo chất lượng.