vĐồng tin tức tài chính 365

Cần xem xét kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu

2022-09-07 12:33

Vấn đề của chuỗi cung ứng xăng dầu  

Ông Võ Văn Tân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) - khẳng định, nguồn xăng dầu hiện vẫn đủ cung ứng cho các cửa hàng trực thuộc và các khách hàng nhượng quyền bán lẻ. Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu vẫn phức tạp do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhiều lô xăng dầu chưa về đến Việt Nam thì giá trên thị trường thế giới đã biến động mạnh. Các thương nhân đầu mối có lúc chỉ còn đủ nguồn cung ứng cho hệ thống của mình, không đủ nguồn bán cho các thương nhân phân phối. Khi đó, mọi nhu cầu của xã hội về xăng dầu đều dồn cho Petrolimex, gây áp lực rất lớn. 

Petrolimex cho biết đang chịu áp lực lớn về cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước - ẢNH: N.C
Petrolimex cho biết đang chịu áp lực lớn về cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước - Ảnh: N.C

Hiện nguồn nhập khẩu bị hạn chế do giá nhập khẩu chênh lệch cao so với giá cơ sở. Các đầu mối hạn chế nhập hàng về, đặc biệt là xăng, dẫn đến nguồn cung xăng dầu bị sụt giảm. Để bình ổn thị trường xăng dầu, Petrolimex Sài Gòn kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng trong hệ thống của mình, đảm bảo giá bán, chất lượng và số lượng xăng dầu trong hệ thống. 

Mới đây, lãnh đạo 24 doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu đã cùng ký văn bản kiến nghị cơ quan chức năng cho phép các cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều DN đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh, vừa đáp ứng được nguồn hàng. Hiện tại, mỗi DN bán lẻ chỉ được ký hợp đồng với một DN đầu mối nên khi có sự cố thì DN bán lẻ không thể xoay xở được. 

Lãnh đạo 24 DN trên cũng kiến nghị nên bỏ quy định trích quỹ bình ổn; cho phép điều hành giá xăng dầu theo ngày, bất kể ngày thường hay lễ, tết; có chính sách nhập khẩu xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới tăng thì không nhập hàng, gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ như hiện nay.

Theo đại diện các DN kinh doanh xăng dầu, với mức hoa hồng 0 đồng hoặc 200 đồng trên mỗi lít xăng dầu, các đại lý không đủ chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh. Sau khi cộng chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước, nhiều cửa hàng xăng dầu đã bị lỗ. Nguồn cung xăng dầu hiện nay cũng rất hạn chế.

“DN đầu mối nên chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để họ đủ sức duy trì hoạt động. Hiện nay, do vừa chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, vừa phải tuân theo sự điều hành bất cập của các bộ, ngành nên đại lý xăng dầu không có lợi nhuận, càng bán càng lỗ. Trong tình cảnh đó, đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu bởi nếu không, sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép” - đại diện Công ty TNHH MTV Quang Liêm (TPHCM) nêu ý kiến.

Chính phủ cần sớm xem xét các kiến nghị 

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Chính phủ, Bộ Công Thương nên xem xét những kiến nghị của các hiệp hội, DN xăng dầu. Những kiến nghị đó là có cơ sở, hợp lý. DN lên tiếng là vì họ thấy tình hình rất cấp bách, nếu không giải quyết kịp thời thì hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng, tác động xấu đến việc phân phối xăng dầu cho thị trường. Chính phủ nên xem xét tính hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc nhiều DN thắc mắc về vai trò của quỹ này cho thấy quỹ có vấn đề. Trước mắt, cần có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa đại diện các DN, hiệp hội xăng dầu với lãnh đạo Bộ Công Thương và một số bên. 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đồng tình với kiến nghị về việc điều hành giá xăng dầu trong vòng 24 giờ bởi giá xăng dầu trên thế giới biến động rất nhanh và kinh tế Việt Nam phải thích nghi với tình hình này, không thể để quá lâu dẫn tới chênh lệch giữa giá xăng dầu trên thế giới với trong nước. Bên cạnh đó, cần xem xét mức hoa hồng hợp lý để DN duy trì được hoạt động. DN xăng dầu ngưng hoạt động do lỗ lã là điều bất bình thường. Chính phủ cần xem xét, giải quyết sớm bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến DN xăng dầu mà còn liên quan đến ngành vận tải, tác động đến nền kinh tế. 

Nguồn xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu trong nước

Hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đang đáp ứng khoảng 75 - 80% nhu cầu của thị trường, còn lại phải nhập khẩu. Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, hai nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,3 triệu m3/tháng) trong quý III và 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu, tương đương khoảng 1,46 triệu m3/tháng) trong quý IV/2022. Hiện hai nhà máy đều đang vận hành với công suất tối đa và nguồn cung xăng dầu như kế hoạch nêu trên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.

Nguyễn Cẩm

Xem thêm: lmth.9122741a-uad-gnax-peihgn-hnaod-auc-ihgn-neik-tex-mex-nac/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Cần xem xét kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools