Giá xuất khẩu viên nén gỗ tăng gấp đôi - Ảnh: Công ty Gia Vũ
Ông Trần Quang Bảo - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%, đạt khoảng 11,8 tỉ USD.
Điểm sáng nhất là giá xuất khẩu viên nén (viên năng lượng sinh khối), dăm gỗ tăng 150 - 200%.
"Do chiến sự Nga - Ukraine khiến giá năng lượng, khí đốt tăng cao, do đó các nước EU, Nhật, Hàn... tăng nhập khẩu viên nén, dăm gỗ để sử dụng làm chất đốt nên giá mặt hàng này tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ" - ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, trong tháng 9 và các tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ dự kiến đạt khoảng 1,3 tỉ USD/tháng. Khả năng sẽ hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu gỗ và đồ gỗ cả năm đạt 16,3 tỉ USD.
Dù vậy, 4 tháng cuối năm và năm 2023, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vẫn gặp khó khăn về cạnh tranh thương mại, tác động của chiến sự Nga - Ukraine, giá cước vận chuyển, lạm phát.
"2 năm dịch COVID-19, lượng hàng tồn kho tại các thị trường chủ lực của Việt Nam còn nhiều nên doanh nghiệp nhập khẩu giảm lượng nhập. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ từ nay đến cuối năm và năm 2023 sẽ giảm so với các năm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ đang đứng trước khó khăn, phải cắt giảm lao động do chưa có đơn hàng trong năm 2023" - ông Bảo nói.
Trước sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, ông Bảo cho biết Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản tìm kiếm các thị trường mới để mở rộng thị trường, tăng cường tiêu thụ đồ gỗ ở cả nội địa và xuất khẩu.
Về vấn đề Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đang phối hợp Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) minh bạch các thông tin, không để doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của gỗ Việt.
Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp đã cử chuyên gia sang làm việc với phía Hoa Kỳ để giải quyết các vướng mắc về pháp lý, đồng thời có kế hoạch phân loại doanh nghiệp, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản (Viforest), viên nén là mặt hàng mới nổi của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với sản lượng và giá trị liên tục tăng. Riêng năm 2021, lượng xuất khẩu đạt trên 3,5 triệu tấn, mang về hơn 400 triệu USD cho ngành gỗ.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam. Lượng xuất vào hai thị trường này chiếm trên 95% tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước.
Hiện nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới nên đây là khu vực kỳ vọng sẽ giúp cho các nhà máy sản xuất viên nén tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Với EU, thị trường còn nhiều dư địa với Việt Nam và việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga khiến EU đang gia tăng nhập khẩu viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới, thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến đạt 15,63 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm 7,28% trong giai đoạn 2021-2026.
Tại các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu, hiện nhu cầu ngày càng tăng đối với viên nén gỗ trong sản xuất năng lượng sạch.
TTO - Từ trạng thái kín lịch đơn hàng hồi đầu năm 2022, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Xem thêm: mth.62191321170902202-iod-pag-gnat-og-nen-neiv-uahk-taux-aig-pahn-gnat-nah-tahn-ue/nv.ertiout