Giá dầu thô Mỹ WTI giảm 1,6% về 85,44 USD một thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/1. Tương tự, giá dầu Brent cũng mất 1,3% về 91,6 USD.
Saudi Arabia vì thế đã hạ giá bán cho khách châu Âu và châu Á cho lô hàng tháng tới. Giá dầu giảm cũng sẽ xoa dịu sức ép lên kinh tế toàn cầu, bằng cách hạ nhiệt lạm phát.
Dầu thô mất giá do lo ngại kinh tế toàn cầu đi xuống, làm giảm nhu cầu tại châu Âu và Mỹ. Một yếu tố khác khiến hàng hóa nói chung, trong đó có dầu thô, giảm giá là đồng USD lên cao nhất mọi thời đại sáng nay. Việc này khiến dầu đắt đỏ hơn với người mua ngoài Mỹ.
Đồng USD đã mạnh lên, tăng khoảng 0,6% nhờ số liệu về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến. Thông tin về hoạt động của lĩnh vực dịch vụ làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, điều có thể gây ra suy thoái và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Dầu thô đang tiến tới ghi nhận 3 tháng liên tiếp đi xuống - chuỗi giảm dài nhất trong hơn 2 năm qua. Khi các ngân hàng trung ương tích cực nâng lãi suất để ghìm lạm phát, nhà đầu tư lo ngại các nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
Phil Flynn, nhà phân tích của công ty tư vấn đầu tư Price Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết về cơ bản, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay là nguồn cung thắt chặt và lo ngại về sự suy giảm kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.
Saudi Arabia - quốc gia đứng đầu OPEC+, tuần này cho biết sẵn sàng điều tiết thị trường theo cách chủ động hơn. Tuyên bố này làm tăng khả năng OPEC+ cắt giảm sản xuất hơn nữa.
Ngày 5/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng tháng 10 xuống 100.000 thùng/ngày. Giá dầu đã tăng trước và sau khi quyết định này được đưa ra.
"Giá dầu chỉ tăng nhẹ, trong thời gian ngắn, sau thông báo giảm sản lượng của OPEC+. Còn sau đó, giá sẽ tiếp tục vật lộn với triển vọng nhu cầu yếu", Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG Asia nhận định.
"Chính sách chống dịch của Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép lên nhu cầu. Giá dầu cũng chịu áp lực khi USD mạnh lên", Yeap Jun Rong nói thêm.
Thành Đô (Trung Quốc) đã gia hạn quy định ở trong nhà với 21 triệu người dân. Bắc Kinh cũng siết kiểm soát sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm mới. Trung tâm công nghệ nước này - Thâm Quyến, cũng vẫn hạn chế đi lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.39154622170902202-1-gnaht-ut-ek-tahn-paht-gnoux-uad-aig/et-hnik/nv.vtv