Đối với vấn đề điều hành lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, kể các các nước phát triển nhất đã và đang phải tăng lãi suất để hạn chế đầu tư nhằm ngăn chặn lạm phát. Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (FED) đã liên tục tăng lãi suất và qua 4 lần nâng lãi suất đã lên mức 2,25 - 2,5%/năm với tổng mức tăng là khoảng 2,25 điểm phần trăm; Ngân hàng Châu Âu (ECB) cũng đã tăng 0,5%, mặc dù trước đó đã có 11 năm duy trì lãi suất âm, nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực tăng lãi suất…
Đối với Việt Nam, lạm phát là vấn đề đang được quan tâm và Chính phủ cũng đang chỉ đạo nhiều biện pháp để ngăn chặn lạm phát. Trong tháng 7 và 8 vừa qua, chỉ số lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức 2,58%. Tuy nhiên, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của NHNN lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.
Trong bối cảnh từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao nhưng NHNN vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành. Nếu xét về góc độ tương đối trong tương quan với các nước đang có lãi suất tăng nhanh thì có thể xem như chúng ta đang giảm lãi suất điều hành, mặc dù con số tuyệt đối không thay đổi. Điều này tạo điều kiện cho các NHTM tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý, rẻ hơn.
Để giải quyết bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt để đạt được mục tiêu này. Đối với lãi suất của các NHTM, thời gian vừa qua mặc dù có biến động tăng nhưng ở mức độ rất nhẹ, trong đó lãi suất huy động tăng 0,25% và lãi suất cho vay là 0,24% - đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9 - 9,3%, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới; lãi suất huy động bình quân từ 6,3 – 6,8% đối với kỳ hạn trên 1 năm. Các mức lãi suất này so với các năm gần đây đã được duy trì khá ổn định.
Tuy nhiên để giải quyết câu chuyện vừa kiểm soát lạm phát vừa khôi phục kinh tế nhanh và hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiệu còn nhiều khó khăn, NHNN sẽ tiếp tục kêu gọi các NHTM bằng nguồn lực của mình, có các biện pháp để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp như triển khai trong suốt 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19. Giống như hai năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp là 52 nghìn tỉ. Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ NHNN sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các NHTM cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề hạn mức tín dụng, Phó Thống đốc nhấn mạnh, một trong những yêu cầu cao nhất lúc này là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Trên cơ sở mục tiêu duy trì lạm phát dưới 4% và đảm bảo tăng trưởng 6 - 6,5% đã được Quốc hội thông qua, NHNN cũng đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% từ đầu năm và có sự linh hoạt trong điều hành tùy theo điều kiện thực tế. Trong điều kiện nền kinh tế những tháng đầu năm chưa có nhiều biến động về giá cả xăng dầu và một số loại hàng hóa thì chỉ tiêu này được tính toán tương đối đầy đủ, kỹ lưỡng.
Từ đầu năm, NHNN cũng đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng để triển khai. Đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, là mức tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và các tổ chức tín dụng đã dùng hết hạn mức được giao từ đầu năm. Với hạn mức tín dụng còn lại, NHNN phân bổ cho các ngân hàng, đặc biệt với các tổ chức tín dụng hoạt động tốt, lành mạnh có các hệ số an toàn cao.
MHN - LK
Xem thêm: 556715VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www