Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu và Chỉ thị của Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu.
Nhìn chung, việc tổ chức đấu thầu của các sở, ban, ngành, các địa phương, chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ…
Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có một số trường hợp sai phạm, tồn tại trong đấu thầu (chủ yếu ở các gói thầu có quy mô nhỏ do các BQLDA đầu tư xây dựng huyện và UBND cấp xã làm chủ đầu tư).
Cụ thể, đưa các tiêu chí, yêu cầu không cần thiết hoặc quá mức cần thiết, không phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đăng tải hồ sơ mời thầu lên mạng bị lỗi font, thiếu, thừa khối lượng, không có bản vẽ thiết kế kèm theo, sau đó sửa đổi, điều chỉnh hồ sơ mời thầu khi gần hết thời hạn theo quy định, gây khó khăn cho các nhà thầu tham dự…
Theo kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, để xảy ra tình trạng trên, ngoài một số nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của lãnh đạo, của chủ đầu tư các dự án đối với đơn vị tư vấn đấu thầu (bên mời thầu) trong việc lập hồ sơ mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu; trách nhiệm và năng lực của cán bộ chuyên môn của một số BQL dự án, vai trò của Tổ Kiểm tra, giám sát đấu thầu trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động đấu thầu.
Để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Giám đốc các BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc cấp huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu thầu theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu theo đúng quy định; kiên quyết không để xảy ra các trường hợp sai phạm, tồn tại trong đấu thầu.
Người có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giới thiệu hoặc can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm trong đấu thầu ở một số địa phương trong thời gian qua, sau khi các chủ đầu tư ban hành quyết định hủy thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, tỉnh Quảng Nam giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành chuyên môn liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư thực hiện, đảm bảo quy định pháp luật.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 11/12, ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Hội An - đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, cuối tháng 10/2021, ông Lê Hữu Vũ (33 tuổi) - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đô thị huyện Thăng Bình - cũng bị bắt tạm giữ vì liên quan đến hành vi dàn xếp đấu thầu, vi phạm các quy định về đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Công Bính