Thủ tướng Ukraine – ông Denys Shmyhal hôm 6-9 nói với trang Politico rằng Nga đang vật lộn để duy trì lượng vũ khí của mình khi các lệnh trừng phạt ngày càng khiến nước này khó khăn trong việc mua các vi mạch sử dụng trong một số thiết bị.
Theo ông Shmyhal, Ukraine ước tính Nga đã sử dụng hết một nửa kho vũ khí nước này và còn khoảng 48 tên lửa siêu thanh. Ông Shmyhal cho rằng có vẻ như Nga sẽ không thể bổ sung vũ khí nếu không có các vi mạch tạo nên độ chính xác của tên lửa.
Tiêm kích MiG-31K của Nga mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2018. Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP |
“Do các lệnh trừng phạt áp đặt vào Nga, việc cung cấp thiết bị vi mạch công nghệ cao đã dừng lại và họ không có cách nào bổ sung” – ông Shmyhal nhấn mạnh.
Thay vào đó, Nga đang sử dụng thiết bị cũ hơn và ít tinh vi hơn để cố gắng bảo tồn các thiết bị công nghệ cao, ông Diederik Cops, nhà nghiên cứu cấp cao về xuất khẩu và buôn bán vũ khí tại Viện Hòa bình Flemish nói với Politico.
“Ngày càng có nhiều tên lửa “vô dụng” được tìm thấy tại Ukraine, chứng tỏ Nga đang đối mặt tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng như thế nào” – ông Cops nói.
Politico đã có được một “danh sách mua sắm” công nghệ mà Nga đang tìm cách bảo mật, trong đó cho thấy nước này có nhu cầu rất lớn đối với các vi mạch, hầu hết trong số này là được sản xuất tại các công ty của Mỹ, trong đó có AirBorn, Intel và Texas Instruments.
Nga thậm chí đã dùng tới cách tách các vi mạch từ máy rửa bát và tủ lạnh để sử dụng cho mục đích quân sự, bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết hồi tháng 5.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang cạn vũ khí vì đã cung cấp quá nhiều cho Ukraine.
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU hôm 5-9 cho hay kho dữ trữ quân sự của hầu hết các nước thành viên EU đã cạn kiệt với tỉ lệ cao vì họ đã cung cấp rất nhiều cho Ukraine, theo hãng tin AP.
Pháo phản lực bắn loạt BM-21 Grad của Ukraine khai hỏa vào vị trí Nga tại tiền tuyến tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: Evgeniy Maloletka/AP |
Trong một cuộc tranh luận với các nhà lập pháp châu Âu, ông Borrell nói rằng các nước trên nên cùng nhau mua các thiết bị thay thế vì như thế sẽ rẻ hơn so với từng quốc gia mua riêng lẻ.
Hồi tháng 7, EU đã đề xuất một quỹ trị giá 500 triệu USD để các nước thành viên mua vũ khí cùng nhau nhằm bổ sung vào kho dự trữ của họ.
Cũng trong ngày 5-9, ông Borrell nói rằng EU lẽ ra nên bắt đầu huấn luyện cho binh sĩ Ukraine cách đây một năm, khi một số nước thành viên lên tiếng kêu gọi.
“Đáng tiếc là chúng tôi đã không làm như vậy và hôm nay chúng tôi rất tiếc vì tháng 8 năm ngoái chúng tôi không đáp ứng yêu cầu đó, thực hiện yêu cầu đó” – ông Borrell nói.
“Chúng tôi sẽ ở trong một tình huống tốt hơn nếu EU làm điều này khi đó” – ông Borrell nói.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24-2. Kể từ đó, EU đã cam kết viện trợ khoảng 2,5 tỉ USD vũ khí cho Ukraine. Một số vũ khí mà EU gửi cho Ukraine đến từ kho dự trữ hiện tại của các quốc gia thay vì vũ khí được chế tạo cho mục đích cụ thể. Điều đó đồng nghĩa thiết bị có thể đến Ukraine nhanh hơn song cũng có nghĩa kho vũ khí của những nước này bị cạn kiệt.