Khi lạm phát ở khu vực đồng tiền chung euro dự kiến tăng ít nhất 10% trong những tháng tới và nguy cơ giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao hơn, nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % trong cuộc họp ngày 8-9 (giờ địa phương).
Lạm phát ở châu Âu đã lên đến 9,7% trong tháng 8 và chi phí năng lượng còn tiếp tục tăng. Tỉ lệ lạm phát 9,7% là mức cao kỷ lục mới và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, làm tăng sức ép đối với ECB trong việc nâng lãi suất.
Song song đó, nguy cơ suy thoái kinh tế đang đe dọa khu vực khi người tiêu dùng đã cảm nhận rõ lạm phát và giảm chi tiêu trong khi nhiều công ty chật vật vì giá năng lượng cao.
Bà Agnès Belaisch, chiến lược gia tại Viện Đầu tư Barings (Mỹ), cho rằng: "Đợt tăng lãi suất lớn trong tuần này sẽ không thể giải cứu đồng euro. Một cuộc suy thoái đang ở phía trước và những lo ngại về địa chính trị là không thể kiểm soát".
Khách hàng mua sắm tại chợ Campo de 'Fiori ở thủ đô Rome - Ý. Ảnh: REUTERS
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cũng dự báo giá đồng euro sẽ giảm xuống còn 0,97 USD và duy trì quanh ngưỡng này trong 6 tháng tới. Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) đã điều chỉnh dự báo đối với giá đồng euro xuống 0,9 USD cho năm tới, giảm 9% so với mức hiện tại.
Không riêng khu vực châu Âu, các ngân hàng trung ương của Canada và Úc cũng dự kiến tăng lãi suất trong tuần này. Giới quan sát cũng dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp trong tháng này. Phần lớn các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã giảm điểm trong phiên hôm 6-9 vì nỗi lo về chính sách thắt chặt tiền tệ của FED.
Không chỉ kinh tế châu Âu bị giới chuyên gia đưa ra dự báo kém lạc quan, kinh tế khu vực châu Á cũng ảm đạm không kém. Tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) một lần nữa hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi nhà kinh tế trưởng Nomura Ting Lu, khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ các quy định phòng dịch tính tới ngày 6-9, tăng từ ngưỡng 5,3% hồi tuần trước.
Theo đài CNBC, Nomura hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế số hai thế giới từ 2,8% xuống còn 2,7%. Trong báo cáo trước đó vào ngày 17-8, Nomura cũng đã hạ dự báo tăng trưởng trong quý III và IV năm nay của Trung Quốc.
Theo đài CNN, chiến dịch "Không Covid-19" của Trung Quốc bao gồm xét nghiệm và phong tỏa đã tác động xấu đến nền kinh tế chung nhưng lại giúp các nhà sản xuất dụng cụ xét nghiệm bội thu. 12 công ty về xét nghiệm Covid-19 hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã công bố sự gia tăng đáng kể cả về doanh thu và lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, áp lực lạm phát do chi phí năng lượng tăng được thấy rõ ở Indonesia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 7-8 cho biết đã yêu cầu chính quyền các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để kiểm soát chi phí vận tải và chống lại tác động lạm phát của đợt tăng giá nhiên liệu hồi tuần trước.
Trước đó, Tổng thống Widodo hôm 3-9 tuyên bố tăng giá nhiên liệu vốn được trợ giá lên khoảng 30%, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Theo hãng tin Reuters, ông Widodo cho rằng lạm phát sẽ tăng thêm 1,8 điểm % nếu chính quyền Indonesia không hành động.
Tỉ lệ lạm phát ở Indonesia trong tháng 8 đã tăng lên 4,69%, gần mức cao nhất trong 7 năm và cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 3 liên tiếp do giá thực phẩm tăng.
Xem thêm: nhc.40142818080902202-tahp-mal-nagn-ud-auhc-taus-ial-gnat/nv.fefac