Tối 7-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết vừa nhận được thông báo từ Trung Quốc về kết quả kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo đó, đã có 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng và 51 vùng trồng sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc phê duyệt. Như vậy, 25 doanh nghiệp sở hữu các mã số cơ sở đóng gói trong danh sách sẽ được chính thức xuất khẩu trái cây vua của Việt Nam sang Trung Quốc; sầu riêng được thu mua từ các vùng trồng đã được phê duyệt.
Sầu riêng là trái cây có tiềm năng thu về tỉ USD khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Danh sách này đã được Hải quan Trung Quốc công bố trên website (http://dzs.customs.gov.cn/dzs/2747042/3995819/sg38/3974291/index.html)
Triển khai nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, từ ngày 15-7 đến 4-9, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định qua hình thực trực tuyến các vườn trồng và cơ sở đóng gói, kết hợp với các tài liệu liên quan.
Sau khi xem xét toàn diện, Trung Quốc đánh giá các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt.
Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Trước đó, Việt Nam đã đề xuất Trung Quốc 126 vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được vào danh sách được Trung Quốc phê duyệt sẽ tiếp tục cung cấp tài liệu xác minh và tiếp tục được đánh giá sau.
Tuy nhiên, đã có một số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng "tự nguyện từ bỏ" chương trình xuất khẩu sang Trung Quốc và sẽ không được xem xét để đăng ký phê duyệt lần này.
Các vấn đề cần khắc phục
Sau kiểm tra, phía Trung Quốc đã chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu.
Về vùng trồng: một số vùng trồng không có biện pháp kiểm soát sự lây nhiễm chéo dịch bệnh khi trồng xen canh với các cây trồng khác, chưa theo dõi dịch hại, chưa thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với cơ sở đóng gói có sự chênh lệch lớn giữa các DN được kiểm tra, một số nhà xưởng cũ, vệ sinh tổng thể kém, nơi sản xuất gần khu sinh hoạt.
Về các biện pháp phòng chống Covid-19, một số nhà máy và vườn cây ăn quả không có phương tiện rửa tay, chỉ khử trùng.
Xem thêm: mth.98852502270902202-couq-gnurt-ut-iuv-nit-nahn-man-teiv-gneir-uas/et-hnik/nv.moc.dln